Kỳ họp Quốc hội với nhiều đổi mới
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV dự kiến làm việc trong 29,5 ngày với khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay
Chiều 20-10, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Khắc Định đã chủ trì họp báo về chương trình kỳ họp thứ 8 QH khóa XV, dự kiến khai mạc hôm nay, 21-10.
Dự kiến bầu Chủ tịch nước ngày 21-10
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ QH, cho biết tại phiên họp trù bị vào đầu giờ sáng 21-10, QH sẽ xem xét các nội dung dự kiến trình kỳ họp và xem xét thông qua chương trình kỳ họp. Trong đó, nội dung về công tác nhân sự sẽ được QH xem xét thông qua trong chương trình chính thức.
"Theo chương trình dự kiến của kỳ họp trình QH thông qua, tại ngày làm việc đầu tiên, QH sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật" - bà Nguyễn Thanh Hải cho hay.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng thông tin: Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình QH bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định. Đây là việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng tại Quốc hội. Ngoài ra, QH cũng bố trí thời gian trong chương trình kỳ họp để thực hiện công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền.
Xem xét 42 nhóm nội dung
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Minh Tuấn, kỳ họp thứ 8 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21-10; dự kiến bế mạc vào sáng 30-11, theo hình thức họp tập trung.
Kỳ họp gồm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21-10 đến hết 13-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng 30-11; dự kiến tổng thời gian làm việc là 29,5 ngày. Một điểm mới của kỳ họp này là QH sẽ làm việc 4 ngày thứ 7, Ủy ban Thường vụ QH họp một ngày thứ bảy để cho ý kiến về 4 nội dung với tinh thần: "Chính phủ trình lúc nào Ủy ban Thường vụ QH xem lúc đó" và "Ủy ban Thường vụ QH sẵn sàng làm việc cả buổi tối".
Đáng chú ý, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại phiên khai mạc kỳ họp.
Tại kỳ họp, QH sẽ xem xét 42 nhóm nội dung, trong đó có 30 nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Trong đó, QH sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, QH xem xét, thông qua 15 dự luật và 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật; xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật. Đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và giám sát các vấn đề quan trọng khác như xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng...
QH cũng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh kỳ họp lần này được tổ chức ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với tinh thần nhìn lại thời gian qua và tập trung, nỗ lực bứt phá, thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp. Với tính chất cấp bách đó, kỳ họp có nhiều vấn đề lớn được xem xét, thảo luận nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực. Tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của người dân.
Ưu tiên hàng đầu cho văn hóa, giáo dục
Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH - cho rằng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cần là những ưu tiên hàng đầu. Tổng nguồn lực dự kiến của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là rất lớn. Việc phân bổ ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực là rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và đạt mục tiêu phát triển bền vững. "Phát triển công nghiệp văn hóa cũng cần được chú trọng, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và thiết kế để không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới" - đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Đại biểu Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật quy định về nhà giáo. Trong đó, chính sách tiền lương là một trong những chính sách kỳ vọng thể hiện được tính đột phá trong dự án luật này. Dự thảo luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác.
Theo đại biểu Đinh Công Sỹ, thực hiện chính sách tiền lương, định mức thụ hưởng cần tính toán đến khả năng bố trí ngân sách nhà nước. Chính sách miễn học phí cho con nhà giáo cũng cần xem xét trong mối tương quan với con em trong các lực lượng vũ trang, con của hộ nghèo...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-hop-quoc-hoi-voi-nhieu-doi-moi-196241020211412338.htm