Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII: Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết thuộc các lĩnh vực như: Ngân sách, đầu tư công, nội vụ, tài nguyên - môi trường… nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn lãnh đạo một số sở, ngành về những nghị quyết quan trọng vừa được HĐND tỉnh khóa VII thông qua.
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ: Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước
- Phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước (QLNN) giữa các cấp, các cơ quan nhà nước là một chủ trương, giải pháp quan trọng về cải cách tổ chức, bộ máy, trực tiếp nâng cao hiệu lực hiệu quả QLNN và phục vụ nhân dân tại các cấp hành chính địa phương. Nội dung phân cấp nhằm hợp lý hóa việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn QLNN trong bộ máy hành chính tỉnh, phân định phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý giữa các cấp. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về phân cấp QLNN theo từng giai đoạn cụ thể. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản giao các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện phân cấp trên các lĩnh vực: Xây dựng, giao thông vận tải, lao động - thương binh và xã hội, tư pháp, dân tộc, văn hóa, công thương… Bước đầu triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng bộ của các cấp, ngành, người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Từ đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, phục vụ nhu cầu của tổ chức và công dân.
Với mục đích tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04 năm 2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong QLNN. Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh chủ động xây dựng Đề án Đẩy mạnh phân cấp QLNN cho UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, trình HĐND tỉnh và đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VII.
- Xin ông cho biết về nội dung và lĩnh vực trọng tâm sẽ được thực hiện phân cấp?
- Các nội dung trọng tâm sẽ được UBND tỉnh đẩy mạnh việc phân cấp cho UBND cấp huyện, cấp xã, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong như: Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn QLNN trên các ngành, lĩnh vực; ban hành cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; phân công cơ quan chủ trì, phối hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn QLNN; giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có các nội dung như: Thẩm quyền ký các loại giấy tờ là kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; huy động, phân bổ các nguồn lực tổ chức các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên các lĩnh vực, phạm vi được phân cấp và thiết lập chế độ thông tin, báo cáo trong việc thực hiện các nhiệm vụ phân cấp.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn QLNN trên 13 lĩnh vực trọng tâm: Giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, tư pháp, giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông, dân tộc, ngoại vụ, khoa học và công nghệ, nội vụ.
- Để đề án này được thực hiện một cách hiệu quả, cần tập trung thực hiện những vấn đề gì, thưa ông?
- Để đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp cho UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, đối với các nhiệm vụ phân cấp, phải gắn liền với kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị, bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trong một số lĩnh vực cần thiết phải tiến hành rà soát, điều chỉnh phân bổ biên chế, nhân lực, kinh phí để tương xứng với các nhiệm vụ phân cấp. Đồng thời, phân cấp nhiệm vụ QLNN theo hướng đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp…
- Xin cảm ơn ông!
BÍCH LA(Thực hiện)
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
- Trong 9 tháng năm 2023, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 52,4% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 61,2% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế. Trong đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 67,8% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương giải ngân đạt 57,6% kế hoạch; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt 19,2% kế hoạch; nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi (vay lại Chính phủ để thực hiện các dự án ODA) đạt 22,8% kế hoạch. Nhìn chung, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng thực hiện cao hơn so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn giải ngân tăng gấp 2,02 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm nay vẫn còn chậm.
- Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Mặc dù các cơ quan, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng của năm 2023 vẫn còn chậm. Cụ thể như: Nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương chưa phân bổ 1.000 tỷ đồng do mới ở giai đoạn xây dựng Đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh năm 2023 theo quy định; các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng nên khó khăn cho địa phương trong thực hiện thủ tục đầu tư các dự án, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục dạy nghề thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ; các dự án sử dụng vốn ODA cấp phát và vốn vay lại của Chính phủ gặp vướng mắc. Trong công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng thực hiện song công tác kiểm đếm, thẩm định, phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài; thủ tục đầu tư các dự án thực hiện chậm dẫn đến việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 chậm… đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
- Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023. Xin ông cho biết nguyên tắc điều chỉnh lần này?
- Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 đối với nguồn vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý vừa được HĐND tỉnh thông qua được thực hiện theo nguyên tắc: Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án hết nhiệm vụ chi, các dự án và nhiệm vụ chi khác không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 để bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án theo ngành, lĩnh vực thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung nguồn vốn trả nợ quyết toán; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới theo quy định của Luật Đầu tư công; bổ sung kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc Đề án tổng thể giảm nghèo của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 phải hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
- Xin ông cho biết, để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tập trung những giải pháp nào?
- Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai các dự án đúng tiến độ; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình; giao trách nhiệm cho các thành viên Tổ tư vấn đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo dõi, chỉ đạo, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành liên quan đẩy nhanh việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo một số sở, ngành khẩn trương thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình…; Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa và Kho bạc Nhà nước các địa phương hướng dẫn cụ thể cho các chủ đầu tư về trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh toán để chủ đầu tư kịp thời thực hiện thủ tục thanh toán khối lượng đã hoàn thành. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo đối với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ về nguồn vốn, thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công trọng điểm theo Nghị quyết số 25 của Tỉnh ủy thống nhất định hướng danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)