KỲ HỌP THỨ 4 QUỐC HỘI KHÓA XV: XÁC ĐỊNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VÀ TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI LÀ VẤN ĐỀ THEN CHỐT

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, câu chuyện thu hút nguồn nhân lực đã trở thành vấn đề tỏa 'sức nóng' tại nghị trường, để lại ấn tượng lớn với cử tri về một Quốc hội tích cực lắng nghe ý kiến cử tri, bám sát hơi thở đời sống. Xác định phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài là vấn đề then chốt, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thúc đẩy việc triển khai các giải pháp để đảm bảo sức nóng của nghị trường từ Kỳ họp thứ 4 sẽ tạo được hiệu quả thực tế trong vấn đề thu hút nhân tài trong thời gian tới..

PHIÊN BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ PHÁT BIỂU BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thu hút nguồn nhân lực: Sức nóng thực tiễn lan tỏa nghị trường

Tiếp nối và phát huy thành công của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. Nhìn lại những dấu ấn từ Kỳ họp này, cử tri, nhân dân bày tỏ đồng thuận cao với vào những Luật, Nghị quyết quan trọng đã được xem xét thông qua, đánh giá cao công tác giám sát của Quốc hội thể hiện qua kết quả giám sát chuyên đề cũng như việc cho ý kiến về báo cáo công tác của các cơ quan.

Đặc biệt, qua các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, nhiều ý kiến của nhân dân bày tỏ phấn khởi, tin tưởng, hy vọng khi những tâm tư, nguyện vọng của người dân từ các địa phương đã được chuyển tải và có tác động mạnh mẽ đến hoạt động nghị trường, giải quyết những vấn đề sát sườn, những vướng mắc trực tiếp mà đời sống thực tế đang đặt ra, mà cụ thể nhất là vấn đề phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài.

Ngay từ những cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp, cử tri đã phản ánh nhiều thực trạng, phát biểu nhiều ý kiến về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và hoàn thiện chính sách đãi ngộ phù hợp, xứng đáng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Những phản ánh, ý kiến đó của cử tri, nhân dân đã được các đại biểu nêu rõ tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn và tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cũng còn thấp. Đề cập đến tình trạng một số lượng khá lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và chuyển sang khu vực tư, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ và làm rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, trên cơ sở đó nhìn nhận thấu đáo các vấn đề và từ đó rút ra những kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo, điều hành, quản lý.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc sang khu vực tư trong một thời gian ngắn, với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay là điều bất thường và có nguyên nhân là lương, chế độ chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đại biểu Trần Khánh Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tham gia ý kiến

Đại biểu Trần Khánh Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tham gia ý kiến

Tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với sự hấp dẫn vốn có của khu vực công; đánh giá đối tượng, độ tuổi, trình độ chuyên môn của bộ phận thôi việc. Cho rằng hiện nay đang có tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, các đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và thu hút nhân tài làm việc cho khu vực công.

Chất lượng nhân lực ở khu vực công là vấn đề cấp thiết ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội mỗi địa phương, liên quan đến lợi ích cử tri trên mọi miền đất nước. “Sức nóng” của vấn đề này không chỉ lan tỏa tại các phiên họp tổ, phiên họp hội trường, mà còn trở thành chủ đề sôi nổi được các đại biểu Quốc hội bàn luận ngay bên hành lang Hội trường Diên Hồng.

Chia sẻ bên lề phiên họp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, nhất là trong ngành y tế, giáo dục còn chưa xứng đáng, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu áp lực lớn về công việc, dịch Covid-19 chỉ là một điều kiện làm xảy ra tình trạng “giọt nước tràn ly”. Cùng với đó, khu vực tư nhân có thể mang đến cơ chế tốt hơn, nên đã đã thu hút nguồn lực lớn từ khu vực công sang khu vực tư. Đại biểu cho rằng trong thời điểm chưa tiến hành cải cách tiền lương cần ưu tiên tăng lương những người có mức lương quá thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống, nhất là trong ngành giáo dục và y tế để giữ chân người lao động.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên bên hành lang Hội trường Diên Hồng

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên bên hành lang Hội trường Diên Hồng

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị cần phân tích rõ cơ cấu, tính chất của tình trạng nghỉ việc của công chức, viên chức thời gian qua, làm rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ, của Chính phủ trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại khu vực nhà nước. Đại biểu đề nghị làm rõ vì sao công chức, viên chức trong đó có nhiều người có kinh nghiệm rời bỏ khu vực công, đồng thời cần có giải pháp trong thời gian tới nhằm khắc phục sự thiếu hụt nhân lực trong hai ngành then chốt là y tế, giáo dục để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho tương lai và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Xác định phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài là vấn đề then chốt

Lắng nghe ý kiến cử tri, bám sát hơi thở đời sống, Quốc hội đã lựa chọn vấn đề thu hút nguồn nhân lực là một trong những nội dung chính của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Trước giờ Bộ trưởng Bộ Nội vụ đăng đàn trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, người trực tiếp điều hành phiên chất vấn đã bày tỏ đặc biệt quan tâm vấn đề này, lưu ý Bộ trưởng cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc như nhân viên y tế, bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk chất vấn

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng đã đưa ra nhiều câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phản ánh, việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ trong những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức vị trí việc làm được quy định tại Thông tư 06, Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập, dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên, bố trí giáo viên không đúng việc làm. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể khắc phục vấn đề này, để thực hiện đúng nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc "ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên”.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Đỗ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn manh, Bộ Chính trị đã có quyết định về việc giao bổ sung 65.850 biên chế giáo viên chuyên ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 tình trạng thiếu giáo viên còn rất lớn, thậm chí có những ngành không tuyển được giáo viên ở khối THPT, bởi vì chưa có sinh viên ra trường, không đáp ứng được yêu cầu công tác giảng dạy, nhất là đối với các tỉnh, các thành phố có số lượng học sinh tăng cao. Đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp cụ thể để thực hiện vấn đề này.

Đại biểu Cao Mạnh Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia ý kiến

Đại biểu Cao Mạnh Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia ý kiến

Nêu quan điểm tại phiên họp, đại biểu Cao Mạnh Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cùng với việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm thì cần chuyển hình thức bồi dưỡng bắt buộc theo ngạch hiện nay sang bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm, đặc biệt cần chú trọng hướng đến đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan, người được đào tạo bồi dưỡng để thực sự đáp ứng mục đích, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức.

Thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, bám sát vấn đề, hướng đến giải quyết hiệu quả vấn đề thực tiễn đang đặt ra để bảo vệ lợi ích của cử tri, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sâu sắc về vấn đề này, đồng thuận thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Nghị quyết nêu rõ, cần có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc. Tập trung xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm; xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm; tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.

Lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 4

Lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 4

Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế. Nghiên cứu ban hành quy định về chế độ hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng. Khẩn trương giải quyết tình trạng giao biên chế sự nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước (như kiểm lâm, kiểm ngư, thanh tra giao thông…). Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng tăng cường tính công khai, thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào; xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp để thay thế việc thi thăng hạng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ, cần qan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong giai đoạn 2022 - 2026, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bám sát vấn đề cử tri quan tâm, đi đến cùng vấn đề và quyết liệt tạo ra sự thay đổi là những ấn tượng không thể phủ nhận của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết đã xác định phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài là vấn đề then chốt, đồng thời cũng đưa ra những giải pháp cụ thể thảo gỡ vướng mắc hiện có. Đồng thuận với những giải pháp này, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng cường thúc đẩy, giám sát việc triển khai để đảm bảo sức nóng của nghị trường từ Kỳ họp thứ 4 sẽ tạo được hiệu quả thực tế trong vấn đề thu hút nhân tài trong thời gian tới.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=70824