Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về một số dự án Luật, chương trình giám sát của Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Quảng Trị và thành phố Cần Thơ.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh tham gia phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh tham gia phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Phát biểu thảo luận ở tổ về dự án dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành 2 luật này; tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo thuận lợi cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

Đại biểu cũng cho rằng để du lịch đóng góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế thì phải thay đổi quy trình, thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam cho du khách quốc tế tốt hơn. Do vậy cần phải điều chỉnh một số quy định về thời hạn cấp thị thực, điều kiện cấp thị thực điện tử, thời hạn cấp chứng nhận tạm trú, việc đơn phương miễn thị thực…

Bên cạnh đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực của nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam. Cùng với đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội… Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về khoản 3, khoản 7, Điều 1.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với Tờ trình về dự thảo Nghị quyết dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu nhấn mạnh, hoạt động giám sát tối cao là một hoạt động quan trọng của Quốc hội, nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nên việc nâng cao hiệu quả giám sát sẽ có đóng góp lớn cho nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến tích cực, nhiều tiến bộ rõ rệt, có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận, cách thức tổ chức, tiến hành công việc, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giám sát vẫn còn một số điểm hạn chế cần khắc phục để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quan trọng này.

*Trước đó, ngày 26/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số dự án Luật.

Theo đó, Quốc hội đã tập trung thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại phiên thảo luận, đã có 22 lượt ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; khái niệm người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; các hành vi bị cấm; xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội; giải quyết tranh chấp; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Trong ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Mai Lan-Tuấn Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-mot-so-du-an-luat/d2023052717562990.htm