Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh: Chất vấn về chất lượng thu hút đầu tư và quy hoạch khu, cụm công nghiệp
Chiều 10-7, dưới sự điều hành của các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhìn chung, các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, phần trả lời cụ thể, trực tiếp, xác định rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục. Không khí phiên chất vấn sôi nổi khi các đại biểu và lãnh đạo sở, ngành tranh luận đến cùng các vấn đề.
Làm rõ trách nhiệm về bất cập trong thu hút đầu tư, đấu giá tài sản
Mở đầu phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Lực, tổ đại biểu huyện Hiệp Hòa chất vấn về vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện so với trước song kết quả đạt được chưa tương xứng với kỳ vọng.
Trả lời vấn đề này, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2018 của Bắc Giang xếp thứ 36/63 tỉnh, TP cả nước, giảm 6 bậc so với năm 2017. Nguyên nhân do các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, tính liên kết thấp. Một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa am hiểu pháp luật, trong khi quy định của pháp luật còn chồng chéo dẫn đến khó khăn khi áp dụng.
Với vai trò là cơ quan tham mưu với UBND tỉnh về lĩnh vực này, Sở nhận trách nhiệm khi chưa tham mưu được các giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn. Căn cứ vào kết quả đánh giá xếp hạng về chỉ số PCI, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xem xét rõ trách nhiệm, lượng hóa từng lĩnh vực, gắn trách nhiệm người đứng đầu để khắc phục tồn tại.
Trước băn khoăn của một số đại biểu về công tác thẩm định, chấp thuận đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, ông Thắng cho biết, việc thẩm định nhà đầu tư, nhất là xác định khả năng tài chính gặp nhiều khó khăn. Bởi đa số các dự án đầu tư vào địa bàn quy mô nhỏ của các DN mới thành lập, khi yêu cầu báo cáo tài chính 2 năm liên tiếp, kiểm toán theo Luật Đầu tư thì DN khó đáp ứng.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu. Mặt khác, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định yêu cầu các nhà đầu tư ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án trước khi cho thuê đất (đối với các hộ kinh doanh, cá nhân).
"Để khắc phục tình trạng này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính trong việc thẩm định năng lực tài chính để lựa chọn được những nhà đầu tư có thực lực; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, TP thực hiện nghiêm các quy định về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án”, ông Thắng cho biết.
Ông Đặng Hồng Chiến, tổ đại biểu TP Bắc Giang chất vấn về việc còn nhiều trường hợp vi phạm các quy định trong lựa chọn tổ chức đấu giá; trình tự, thủ tục, điều kiện tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể như: Hiện tượng “cò” đất, quân đỏ, quân đen, có dấu hiệu của xã hội đen can thiệp, gây sức ép nhằm thay đổi kết quả đấu giá .
Trả lời nội dung này, ông Đặng Văn Nguyên, Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: Nguyên nhân của tình trạng trên là do cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu giá tài sản ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện đúng quy định. Còn có lợi ích nhóm trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, có tình trạng lựa chọn chưa căn cứ vào các tiêu chí về phương án đấu giá, cơ sở vật chất, năng lực, kinh nghiệm hoạt động, uy tín của tổ chức đấu giá tài sản.
Giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan. Ông Nguyên cũng thừa nhận về những tồn tại trong đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy đã được lực lượng công an phối hợp giải quyết, có chuyển biến nhưng vẫn khó kiểm soát.
Trước những nội dung đại biểu chất vấn, đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, các hoạt động: Đấu thầu, đấu giá đất, phổ biến chính sách pháp luật với đội ngũ cán bộ, công chức đều có nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Cụ thể, việc đấu thầu ở cấp xã với các dự án nhỏ lẻ chưa bảo đảm theo quy định; đấu giá đất thiếu công khai minh bạch nên làm sai lệch kết quả hoặc hạn chế quyền của người tham gia. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo các ngành chuyên môn, nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động đấu giá. Về hoạt động giáo dục pháp luật, đồng chí cho rằng, hệ thống pháp luật ngày càng đồ sộ, có nhiều thay đổi nên đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật phải chủ động học hỏi, nghiên cứu, cập nhật thường xuyên các điều chỉnh. Đồng thời, siết chặt khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ.
Nhiều hạn chế về quản lý quy hoạch hạ tầng khu, cụm công nghiệp
Bà Chu Thị Toan, tổ đại biểu Sơn Động nêu thực trạng nhiều cụm công nghiệp (CCN) chưa hoàn thành đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng đã thu hút đầu tư, gây ô nhiễm môi trường, nhiều dự án hoạt động nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trả lời chất vấn, ông Trịnh Hữu Thắng đã nêu nguyên nhân là do trước thời điểm Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển các CCN có hiệu lực, khi đó các quy định chưa chặt chẽ dẫn đến đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có khu xử lý nước thải tập trung song đã thu hút DN đầu tư. Ngân sách nhà nước hạn chế nên không bố trí đủ vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó có các công trình xử lý nước thải.
Một số nhà đầu tư khi được chấp thuận đầu tư vào các CCN không thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, do đó dẫn tới gây ô nhiễm môi trường tại một số dự án.
Về giải pháp khắc phục, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, TP trong quá trình xem xét chấp thuận đầu tư dự án vào các CCN, tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm. Trường hợp các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải chỉ chấp thuận khi nhà đầu tư có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (đối với các trường hợp thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường).
Trước câu hỏi của bà Nguyễn Thị Hương, tổ đại biểu huyện Việt Yên chất vấn về thực trạng xây dựng hạ tầng các KCN quá chậm, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư, ông Nguyễn Anh Quyền, Trưởng Ban quản lý Các KCN tỉnh cho biết: Tiến độ xây dựng hạ tầng của các KCN đều chậm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; việc kiểm tra, xử lý của Ban chưa quyết liệt. Thời gian tới, Ban sẽ tích cực chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ thi công.
Chất vấn Giám đốc Sở Công Thương, một số đại biểu nêu: Công tác lập quy hoạch các CCN chất lượng chưa cao dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung nhiều; một số huyện thành lập nhiều CCN nằm rảỉ rác trên khắp địa bàn. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương chỉ ra nguyên nhân là do năng lực dự báo còn hạn chế, chưa xác định được xu hướng đầu tư, dẫn đến tham mưu quy hoạch chưa chính xác. Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển CCN chưa đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải thay đổi.
Trước bất cập trên, Sở Công Thương chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện, TP và các nhà đầu tư về trình tự, nội dung việc bổ sung, rút khỏi quy hoạch và thành lập, mở rộng CCN để đề nghị điều chỉnh tổng thể giai đoạn 2021-2025. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các địa phương cắm mốc vị trí, ranh giới các KCN, CCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để quản lý quy hoạch.
Trả lời chất vấn của ông Vũ Thanh Phương, tổ đại biểu TP Bắc Giang về việc đầu tư, phát triển chợ, trung tâm thương mại còn nhiều sai phạm đã được đại biểu kiến nghị ở kỳ họp trước nhưng chậm xử lý, ông Tấn cho biết: Đối với sai phạm tại các chợ mà chủ đầu tư xây ki ốt 2-3 tầng cho các hộ tiểu thương thuê vừa để kinh doanh vừa để ở, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan thống nhất đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, TP yêu cầu chủ đầu tư cam kết bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường; không cho thuê ki ốt, kho chứa hàng trong chợ làm nơi ở trọ.
Về lâu dài, đơn vị chủ động rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại và siêu thị cho phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh.
Đối với các hộ dân tự xây dựng kiốt để kinh doanh trên đất chợ tại huyện Lục Nam, Sở Công Thương đề nghị huyện Lục Nam thu hồi, giải tỏa các ki ốt xây dựng trái thẩm quyền trên đất chợ; kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm trong việc giao đất cho các hộ kinh doanh tự xây ki ốt bán hàng không đúng quy định.
Ngày mai (11-7), các đại biểu HĐND tỉnh làm việc buổi sáng với nội dung chất vấn; Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ một số vấn đề và bế mạc kỳ họp.
Nhóm PVVX