Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Sáng 26/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tham gia góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật; đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo cũng như sự thẩm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Góp ý cụ thể về lĩnh vực di sản, theo đại biểu hiện dự thảo Luật mới quy định chung về quản lý di sản văn hóa, chưa đề cập và luật hóa các quy định về quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Đại biểu đề nghị sửa tên dự án Luật thành Luật Di sản và luật hóa trong dự thảo luật các quy định về quản lý và đầu tư đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Về quy định chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa (Điều 7), đại biểu cho rằng Dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định như: Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế đầu tư, bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chính sách xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 dự thảo Luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới...
Trong đó, chú ý các chủ trương đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33 cần được tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn như huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa…
Góp ý về quy định một số nội dung liên quan đến công tác quản lý di sản văn hóa trong dự thảo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét một số vấn đề hiện đang còn những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Trong đó, về quy định dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di sản, Điều 27 dự thảo Luật quy định: "Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật khác liên quan". Theo quy định của Dự thảo Luật thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới hoặc điều chỉnh chủ trương dự án chuyển tiếp trong vùng lõi và vùng đệm của di sản văn hóa thế giới bao gồm cả những dự án có quy mô nhỏ mang tính chất phục vụ bảo đảm an sinh xã hội, phát huy các giá trị di sản cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung quy định này khi triển khai thực hiện trong thực tiễn sẽ khó khăn vì phần lớn các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, việc quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ làm tăng thủ tục hành chính, kéo dài thủ tục pháp lý.
Đối với việc xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung tại vùng lõi và vùng đệm của di sản, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu để có những quy định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành Luật. Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng tăng cường phân cấp trong việc quản lý di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới nằm trên địa bàn địa phương. Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ chỉ thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ di tích (quốc gia, quốc gia đặc biệt và di sản thế giới), phần nội dung thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tu bổ phù hợp với quy hoạch thì phân cấp cho địa phương.
Đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trong các khu vực dân cư tập trung; các dự án phát triển kinh tế - xã hội nằm trong quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (không nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt), việc lập, điều chỉnh dự án đề nghị giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức thẩm định và phê duyệt nhằm tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của địa phương.
Dự thảo Luật cũng cần có quy định cụ thể đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ cho người dân trong các khu vực dân cư tập trung thuộc vùng bảo vệ I và vùng bảo vệ II đối với các di sản có dân cư sinh sống, vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ di sản vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế cho người dân.
Trong phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó tập trung thảo luận về: Quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; về các chính sách phát triển di sản văn hóa; về khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa… Dự kiến, Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Trong ngày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.