Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ nhiều nội dung quan trọng

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5 Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam và Trà Vinh đã tham gia thảo luận tại tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác.

ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận tại tổ.

ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận tại tổ.

Phát biểu tại tổ, đa số các ĐBQH thống nhất với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Toàn cảnh hội nghị thảo luận tại tổ.

Toàn cảnh hội nghị thảo luận tại tổ.

ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất rất cao và phấn khởi trước thành tựu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà đất nước đã đạt được trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2024 vẫn đạt 5,66%, cao nhất trong quý I từ năm 2020 trở lại đây. Nhiều chỉ số quan trọng của nền kinh tế tăng trưởng khá như: Giải ngân vốn đầu tư công (đến ngày 30/4/2024) đạt 17,46%, cao hơn 1,81% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ; thu ngân sách ước đạt 43,1%, tăng 10,1% so với cùng kỳ; xuất siêu trong quý I đạt 9 tỷ USD, số lượt khách du lịch tăng cao...

Có thể nói, bức tranh kinh tế của đất nước trong những tháng đầu năm 2024 tươi sáng và có nhiều dấu ấn. Đạt được kết quả nêu trên, thấy rõ nhất là sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, kịp thời, sát thực tiễn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính mà các địa phương đề xuất, kiến nghị; chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; nhiều công trình trọng điểm quốc gia được khởi công, hoàn thành và đưa vào khai thác. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, tập trung tháo gỡ trong xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài với các nhóm vấn đề về ngân hàng, các nhà máy phân đạm, các dự án điện, năng lượng.

Chính sự quyết liệt, sâu sát tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bài học, động lực để các địa phương điều hành tháo gỡ khó khăn ở cơ sở; tạo sự chuyển động từ Trung ương đến địa phương.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ĐBQH Lại Thế Nguyên thống nhất với báo cáo của Chính phủ đã trình tại kỳ họp. Đồng thời kiến nghị một số giải pháp đó là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt cần cắt bỏ thủ tục rườm rà, hình thức, không cần thiết, nếu giữ lại những thủ tục này sẽ kéo dài thời gian và rất hình thức.

Đề nghị Chính phủ và Quốc hội lắng nghe từ thực tiễn để tháo gỡ quy định về chỉ tiêu sử dụng đất lúa khi chuyển mục đích sang làm công nghiệp hoặc hạ tầng, đất ở vì thực tế chỉ tiêu này quá ít so với nhu cầu phát triển của các địa phương.

Đề nghị Chính phủ giao khoán cho các tỉnh phải giữ một diện tích đất lúa nhất định, còn lại cho phép địa phương được quyền quyết định việc chuyển đổi theo yêu cầu phát triển của địa phương.

Quốc hội đã có Nghị quyết số 106 ngày 28/11/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó có đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng Nghị quyết này chỉ áp dụng đối với một số công trình giao thông trọng điểm. Vì vậy nên cho phép áp dụng chính sách đặc thù trong khai thác vật liệu xây dựng thông thường để làm đường giao thông thuộc các dự án của tỉnh, huyện quản lý, từ đó tháo gỡ khó khăn cho dự án về đất san lấp.

Nên nghiên cứu về vấn đề tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp và phải có những giải pháp về mặt pháp lý để tháo gỡ các văn bản, quy định liên quan để thực hiện tự chủ một cách thông suốt.

ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh vui mừng, phấn khởi trước kết quả đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Đại biểu khẳng định: Trong năm 2023 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút vốn FDI, thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu; thực hiện đầu tư công, đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông...

Theo ĐBQH Mai Văn Hải, tốc độ tăng của ngành nông nghiệp 3,83% là khá cao, tuy nhiên việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao chưa được nhiều; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn chậm; vấn đề chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, đặc biệt là trong chế biến, xuất khẩu thủy sản...

ĐBQH đề nghị cần đánh giá sâu vấn đề này để có giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh quá trình tích tụ đất đai; có phương án để xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Đồng thời cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế để thúc đẩy việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn ở các địa phương; tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

ĐBQH Mai Văn Hải cũng cho rằng, về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nhiều địa phương chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế; chất lượng, sản lượng sản phẩm OCOP chưa nhiều. Một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới còn cao, khó thực hiện, nhất là các tiêu chí về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo, tiêu chí về hạ tầng... đối với các thôn, xã, huyện miền núi. Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét để có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Về nhà ở xã hội, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính nhân văn, tuy nhiên đến nay việc triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ việc tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, đối tượng tiếp cận... Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho người mua nhà tiếp cận vốn vay...

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-tham-gia-thao-luan-tai-to-nhieu-noi-dung-quan-trong-214930.htm