Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra thành công, tốt đẹp
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV được nhiều đại biểu đánh giá thành công, có những đổi mới theo chiều hướng tích cực. Kỳ họp này của Quốc hội trải qua các phiên thảo luận, phiên giải trình tập trung dân chủ và mang lại hiệu quả cao.
Kỳ họp cơ bản đã hoàn thành các nội dung đề ra
Chiều 27/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015).
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá kỳ họp này đã làm việc hiệu quả, được người dân và cử tri cả nước quan tâm. Đặc biệt, đây là kỳ họp kéo dài nhất từ trước đến nay nên Quốc hội cũng đã giải quyết được khối lượng công việc lớn.
Đánh giá về hiệu quả của kỳ họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng: "Kỳ họp thứ 8 khá đặc biệt vì đây là kỳ họp dài nhất, kéo dài đến 5 tuần. Kỳ họp diễn ra căng thẳng vì đề cập nhiều nội dung về lập pháp, song tôi thấy các đại biểu làm việc rất tích cực. Riêng với đoàn Hà Nội, các đại biểu đi họp đầy đủ, tích cực phát biểu, đóng góp". Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, kỳ họp này có một số đổi mới. Ví dụ việc tổ chức thảo luận ở tổ ngắn hơn, điều này là hợp lý vì việc phát biểu ở hội trường được nhiều người lắng nghe hơn.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) nhận định, về cơ bản, kỳ họp diễn ra đúng dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn diện về các nhóm công việc. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh: "Việc chuẩn bị ý kiến tham gia của các đại biểu rất tích cực, có trách nhiệm và thể hiện bản lĩnh của đại biểu phục vụ ý chí nguyện vọng của nhân dân, cử tri. Tôi hy vọng còn 2 kỳ họp nữa tại Quốc hội khóa XIV, bản lĩnh, ý chí của các đại biểu sẽ tiếp tục được nâng lên".
Đại biểu Trần Thị Hằng (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, kỳ họp cơ bản đã hoàn thành các nội dung đề ra. Các đại biểu đánh giá cao về công tác chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội cũng như những nội dung của kỳ họp. Các đại biểu thảo luận, tranh luận sôi nổi các vấn đề Quốc hội đưa ra.
Đáp ứng được nguyện vọng cử tri gửi đến đại biểu
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) là người trải qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Ông cho rằng, tại kỳ họp này, ông thấy được sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đồng thuận với điều này, đại biểu Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: "Cá nhân tôi đánh giá kết quả của kỳ họp thứ 8 này là tuyệt vời, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân gửi gắm đến các đại biểu. Quốc hội trải qua các phiên thảo luận, phiên giải trình tập trung dân chủ và tinh thần dân chủ, có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả cao".
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho biết, kỳ họp lần này bàn nhiều về các vấn đề đang được dư luận xã hội, cử tri, nhân dân quan tâm, đặt lên vai các vị đại biểu trách nhiệm làm sao phải truyền tải được các vấn đề thực tiễn về nghị trường. "Những vấn đề nóng hổi, thực tiễn, không thể "đút chân gầm bàn" mà có thể nêu những vấn đề ấy ra thảo luận được. Các đại biểu lăn lộn ở thực tiễn, đưa những ý kiến mà những vấn đề đó cũng là ý kiến, trăn trở cử tri và nhân dân cả nước. Đại biểu đã thể hiện trách nhiệm của mình, truyền tải đến nghị trường, thảo luận thẳng thắn, sôi nổi", đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, khi lấy biểu quyết tại hội trường về các dự án Luật, tại kỳ họp này thường có sự đồng thuận cao từ các đại biểu. Giải thích về điều này, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết: "Khi thảo luận có nhiều ý kiến, có xuôi chiều, trái chiều nhưng sau đó có những ý kiến đúng, phù hợp với thực tiễn thì nhận được sự đồng tình ủng hộ. Bản thân tôi cũng có nhiều lần thay đổi quan điểm, nhưng khi biểu quyết lại có quan điểm mới. Đây là kết quả của việc thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trước nghị trường của các vị đại biểu Quốc hội".
Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết thêm, kỳ họp thứ 8 đã ứng dụng công nghệ thông tin rất triệt để trong việc điều hành của đoàn chủ tịch, các hoạt động nghiên cứu, trao đổi thông tin giữa các đại biểu và mang lại kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, đại biểu cũng có một số đề xuất: "Cần có sự hoàn thiện hơn trong ứng dụng công nghệ thông tin. Ví dụ như việc nghiên cứu tài liệu, thời gian rất ngắn nhưng tài liệu đến rất nhiều nhưng để lọc đến đúng trang tài liệu trong văn bản điện tử không phải dễ. Rồi kỹ năng đánh dấu, ghi chú… không phải thuận cho tất cả các đại biểu, nó sẽ ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của đại biểu. Tôi cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện, hướng đi thì đúng nhưng phải hoàn thiện trên mọi phương diện".
Nêu ý kiến của mình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, kỳ họp thứ 8 cơ bản thành công, trong đó việc thông qua Luật Lao động sửa đổi là một trong những nội dung ấn tượng, được người dân và cử tri cả nước quan tâm. Vì thế, để thực hiện tốt các dự án Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, ngay sau khi Luật bắt đầu có hiệu lực, các địa phương cần ban hành chương trình thực hiện, chương trình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở trên địa bàn. Với cách làm này, từng tỉnh, huyện, thành phố, thị xã; các hội Luật gia, luật sư ở các địa phương phải có trách nhiệm vào cuộc cùng với Sở Tư pháp triển khai tuyên truyền phổ biến Luật.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, sở dĩ cần quan tâm đến việc tuyên truyền, thực hiện các dự án Luật ngay sau khi có hiệu lực, là bởi nhiều Luật chưa đi vào tận lòng dân là do việc tuyên truyền, phố biến của chúng ta còn ở từng mức độ khác nhau. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói: "Đơn cử như việc tuyên truyền, thường thì chỉ mới tới những người có hiểu biết, thường xuyên tiếp cận với các phương tiện truyền thông dễ dàng. Còn người dân ở các vùng sâu, vùng xa hoặc chính những đối tượng hay vi phạm pháp luật thì họ lại không có cơ hội, không muốn hoặc khó tiếp cận các phương pháp tuyên truyền".
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro; ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020.