Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đổi mới, cải tiến công tác xây dựng pháp luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 15/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cơ bản tán thành với quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ là để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là kết luận của Ban Bí thư; đồng thời quy định cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật.
Về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, Chính phủ trình 2 phương án. Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Một số đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 như Chính phủ trình, cho rằng cách làm như vậy bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng và đầy đủ chức năng; phát huy cao độ được trách nhiệm của các cơ quan; bảo đảm trong suốt quá trình xem xét, thông qua luật, các chính sách phát sinh đều được phản biện, thẩm tra đầy đủ. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo đến cùng, bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến khâu giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự án luật.
Đồng tình với phương án 1, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) chỉ rõ: “Cơ quan trình nên chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự án luật vì nhiều khi Quốc hội không chủ động trong vấn đề này. Quốc hội chỉ giám sát lại việc cơ quan trình đã thực hiện được chưa, như thế tính phản biện rất cao”.
Tán thành với phương án 2 của Chính phủ, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, việc quy định như vậy sẽ tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để phát huy tối đa vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện quy trình thẩm tra, tham gia ý kiến ngay từ đầu đối với tất cả các dự án luật.
Đặc biệt, ngay sau khi dự án Luật được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phải thực hiện công phu, chi tiết, thường xuyên. “Viện Nghiên cứu lập pháp có tham gia vào quy trình này không? Các đại biểu Quốc hội sẽ tham gia như thế nào giữa hai kỳ họp? Nếu tình trạng kỳ họp sắp đến mới tổ chức lấy ý kiến một cách vội vàng, sau đó đưa ra Quốc hội rồi thông qua, sẽ không khắc phục được tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua”, đại biểu chỉ rõ.
Theo đại biểu, hiện nay, nhiều văn bản, quy định còn bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu khả thi nhưng chậm được sửa đổi làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường... Việc chậm ban hành các văn bản chi tiết để thực hiện luật vẫn chưa được khắc phục. Chất lượng dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế; vẫn có tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, Chính phủ đã có nghị định quy định rõ các cơ quan, ban ngành, địa phương hàng năm phải tự rà soát việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của mình, sau đó Bộ Tư pháp tổng hợp lại để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa nghiêm. Ngoài ra, chưa có quy định để tận dụng tối đa lực lượng tham gia trong quá trình lập pháp từ khâu xây dựng, thẩm tra....
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội tham gia toàn diện dự án Luật rất ít. Quy trình thực hiện luật còn nhiều bất cập. "Nhiều dự án luật đến gần kỳ họp mới gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội khiến các đoàn không thể lấy ý kiến người dân hay đối tượng điều chỉnh”, đại biểu dẫn chứng và đề nghị dự thảo Luật lần này cần đưa ra những quy định cụ thể nhằm giải quyết những bất cập, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Các đại biểu nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động xây dựng pháp luật rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản. Quy định của Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, công tác phối hợp trong quy trình xây dựng pháp luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.
Do đó, cần phải có sự đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp hiện nay, bảo đảm thực hiện đúng kết luận của Ban Bí thư về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật.
Phát huy sức trẻ, trí tuệ của thanh niên
Qua thảo luận tại tổ, đa số ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) lưu ý, dự án Luật chưa phản ánh đầy đủ quyền của thanh niên trong Hiến pháp năm 2013. Đó là quyền của thanh niên trong việc tham gia quản lý nhà nước, giám sát, phản biện xã hội; các quyền chính trị và nhân thân cơ bản như bầu cử, ứng cử do luật định, quyền tiếp cận thông tin, quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm…
Đại biểu đã dẫn chứng về các sự việc diễn ra trong xã hội gần đây như hành vi lệch chuẩn của thanh niên trên mạng xã hội hay việc một học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì có hành vi không đúng đắn, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc…,Theo đại biểu, các vụ việc này đều liên quan đến các quyền cơ bản của thanh niên. Do đó, dự án Luật vừa phải bảo đảm các quyền cơ bản này vừa có tính định hướng, tuyên truyền, giáo dục kịp thời cho thanh niên.
Liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên, Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ thực hiện chức năng này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu nội dung của dự án Luật, đại biểu Đặng Xuân Phương cho biết, phạm vi, chức năng của Bộ Nội vụ liên quan rất ít đến thanh niên. “Vấn đề này cơ quan thẩm tra đã nêu ra đó là thanh niên là đối tượng công chức không nhiều. Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu đối với thanh niên liên quan đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như việc làm, giáo dục nghề nghiệp, phòng chống tệ nạn xã hội”, đại biểu chỉ rõ và đề xuất chuyển chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ Bộ Nội vụ sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về độ tuổi thanh niên, một số ý kiến nhất trí với việc quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Trong khoảng thời gian này, Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy thanh niên phát triển (ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, kỹ năng,...). Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, trong các của cơ quan, tổ chức, chính quyền, thanh niên có độ tuổi đến 35 vẫn rất hăng hái tham gia các hoạt động phong trào. Nếu quy định độ tuổi đến 30 sẽ rất khó khăn trong việc tìm nguồn thanh niên ở nhiều cơ quan.
Theo đại biểu, trong Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trẻ em có độ tuổi đến 18. Trong khi đó, dự thảo Luật lại quy định thanh niên từ đủ 16 tuổi trở lên. Do đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát quy định, đảm bảo tính thống nhất với Công ước quốc tế mà nước ta đã tham gia.