Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về một số dự án Luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu.

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn. Ảnh: Thanh Thủy

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn. Ảnh: Thanh Thủy

Các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dữ liệu đã thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ trong việc quy định, cụ thể hóa lĩnh vực Dữ liệu-một lĩnh vực quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển của quốc gia, quản trị xã hội. Dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều nội dung bổ sung mới, do vậy đề nghị làm rõ có hay không việc sửa đổi các luật có liên quan sau khi Luật Dữ liệu ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: Thanh Thủy

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: Thanh Thủy

Góp ý cụ thể vào Điều 25 của dự thảo Luật, theo đại biểu dự thảo mới quy định về chuyển giao dữ liệu cốt lõi ra nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân, đề nghị giải thích thêm khái niệm những dữ liệu khác; chủ sở hữu và quản lý khác mà chưa có quy định cụ thể thì chế tài nào để áp dụng và cần bổ sung, làm rõ trong dự thảo Luật.

Đối với Điều 38, theo đại biểu luật mới quy định việc kết nối, cập nhật, chia sẻ khai thác dữ liệu trên cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác mà chưa quy định về quyền khai thác dữ liệu của tổ chức, cá nhân trong các cơ sở dữ liệu này. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ khi nào thì tổ chức, cá nhân được khai thác dữ liệu trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Nếu phải trả phí khai thác (quy định tại Điều 39) cần nêu rõ trả phí cho chủ thể nào. Điều 48, 49, 53 dự thảo Luật đã đề cập đến vấn đề sàn dữ liệu, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần biên tập lại để quy định rõ chủ thể nào được thành lập sàn, điều kiện thành lập sàn đối với từng chủ thể, điều kiện cấp phép hoạt động…

Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc một số quy định về thẩm quyền của Thường trực Ban Bí thư. Bên cạnh đó, theo đại biểu tại rất nhiều điều trong dự thảo Luật đều đề cập đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, nhưng chưa đề cập đến vai trò của MTTQ. Do vậy, đề nghị bổ sung cụm từ “MTTQ Việt Nam” vào cùng với cụm từ liên quan đến cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Cần cụ thể rõ hơn vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc cung cấp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, nguồn lực… tại một số quy định của dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: Thanh Thủy

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: Thanh Thủy

Tham gia thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng: Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh luật. Việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT đối với dịch vụ cấp cứu; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung. Đối với quy định về giám định bảo hiểm y tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nên giao cho một cơ quan độc lập bên ngoài giám định (hiện dự thảo đang quy định cơ quan BHYT giám định) nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về quy định cho phép BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao…

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-178017.htm