Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế-xã hội

Ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia…

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì thảo luận tại Tổ 12.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì thảo luận tại Tổ 12.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn. Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ.

Cùng tham gia thảo luận Tổ, về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có các đại biểu: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

Trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận tại Tổ.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận tại Tổ.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa XIII).

Với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Đảng đoàn Quốc hội đã nhanh chóng triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, thực hiện đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội, thay vì Quốc hội điện tử đã chuyển sang Quốc hội số, qua đó đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng.

Quốc hội cũng đã quyết định họp 4 ngày thứ bảy trong 6 tuần làm việc của kỳ họp, các Ủy ban của Thường vụ Quốc hội cũng sẵn sàng họp buổi tối để thẩm tra các dự án luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân… Qua đó góp phần triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề chuẩn bị ngay về mọi mặt để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đại biểu Đinh Việt Dũng,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị: “Cần tiếp tục giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đại biểu Đinh Việt Dũng,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị: “Cần tiếp tục giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Phát biểu thảo luận tại Tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết: Qua khảo sát, giám sát và nắm bắt tình hình thực tế ở địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhận thấy: nhìn chung, cán bộ, đảng viên, Nhân dân đánh giá rất cao và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cử tri vui mừng, phấn khởi bởi năm 2024, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó nổi bật là: Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024. Vốn FDI tăng cao nhất từ năm 2021 đến nay đã phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam… Đây là những tín hiệu rất đáng mừng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi và phát triển tích cực, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng lên.

Theo đại biểu, trong năm 2024, Chính phủ đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là giao thông đường bộ, đầu tư công theo hướng minh bạch hơn, trọng điểm, không dàn trải; đã thực hiện 110/110 quy hoạch tầm quốc gia. Các vấn đề xã hội như: tăng lương, chuyển đổi số, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đều được thực hiện tốt.

Cử tri và Nhân dân Ninh Bình bày tỏ tin tưởng sâu sắc vào sự đoàn kết thống nhất, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu nổi bật của đất nước cũng như những quan điểm, chỉ đạo định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục giải phóng điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

* Tham gia thảo luận tại Tổ vào phiên họp buổi chiều, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng năm 2024 là một năm mà trên bình diện thế giới có nhiều yếu tố bất định, rủi ro, đặc biệt là xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới đã kéo theo rất nhiều rủi ro, nhất là về giá năng lượng, dầu mỏ và dòng chảy thương mại qua khu vực biển Đỏ. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thế giới, kinh tế-xã hội nước ta đã có bước phục hồi và phát triển tích cực; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm giúp củng cố, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. An sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng lên nhờ thành quả của hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, mở ra thời cơ, thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại Tổ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng cho rằng tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức, đó là việc hoàn thuế doanh nghiệp và hoàn thuế thu nhập cá nhân còn chậm, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ kiệt quệ về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu, hiện vẫn còn tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính chủ chốt, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư sản xuất, kinh doanh kéo dài làm tăng chi phí doanh nghiệp. Các thủ tục thường kéo dài nhiều tháng, phức tạp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền, được thực hiện bởi nhiều cơ quan, sở, ngành, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp... Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước tình trạng sốt đất, đầu cơ đất khiến người dân, doanh nghiệp có nhu cầu về đất để ở, để sản xuất, kinh doanh thì khó có khả năng tiếp cận vì giá đất quá cao, vượt quá khả năng thanh toán, đại biểu đề nghị Nhà nước cần phải coi đất đai là tư liệu sản xuất, là đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh; không nên chỉ coi đất đai là hàng hóa, mua đi bán lại kiếm lời.

Cũng theo đại biểu, hiện nay có một số vấn đề cần quan tâm, đó là: Tình trạng hàng hóa giá rẻ từ thương mại điện tử xuyên biên giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và có thể dẫn đến giải thể, phá sản doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động cũng như nền sản xuất của nước ta.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhất là ở những vùng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, đang rất cần các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ để phục hồi sản xuất, kinh doanh thì việc tăng giá điện, tăng chi phí thêm gần 5% là vấn đề cần phải được quan tâm.

Cuối ngày làm việc, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Mai Lan-Thanh Thủy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dbqh-tinh-tham-gia-thao-792333.htm