Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 21/10
Chiều nay (12/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 37 tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc từ ngày 21/10 tới. Cụ thể, Kỳ họp chia làm 2 đợt, đợt 1 sẽ diễn ra từ từ ngày 21/10 đến ngày 12/11/2024; đợt 2, sẽ diễn ra từ ngày 20/11 đến sáng ngày 03/12/2024.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã đánh giá cao các cơ quan đã phối hợp với Tổng thư ký trong xây dựng báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường và nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 8. Về cơ bản, Báo cáo đã bám sát được kế hoạch, các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với nhiều nội dung, đồng thời cũng góp ý phát biểu thêm một số nội dung cần phải tiếp tục hoàn chỉnh.
Theo đó, đồng ý bổ sung báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương 2025 để gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Bổ sung nội dung về công tác nhân sự và bố trí vào ngay chiều ngày khai mạc; bổ sung vấn đề thành lập Thành phố Huế; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và các việc khác mà Chính phủ chuẩn bị đủ hồ sơ bảo đảm chất lượng.
Không bổ sung báo cáo về 2 nội dung gồm Nghị quyết 93 về Hồ chứa nước Pa Két, Hồ chứa nước Bản Mồng và không đưa Luật chuyển đổi giới tính vào chương trình kỳ họp. Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật phối hợp lấy ý kiến của Chính phủ chính thức bằng văn bản và ý kiến của Trưởng ban soạn thảo bằng văn bản để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa luật này ra khỏi chương trình, còn đưa vào như thế nào là việc của Chính phủ. Yêu cầu Chính phủ có ý kiến chính thức và Tổng thư ký sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Quốc hội tại phiên khai mạc.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát, các cơ quan hữu quan đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị cho kỳ họp. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu với chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát tối cao chuẩn bị kỹ các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.
“Các nội dung mà theo quy trình 2 kỳ họp thì trách nhiệm thuộc Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban, nhưng theo quy trình một kỳ họp cần phải chuẩn bị rất kỹ và trách nhiệm chính là cơ quan chủ trì, ở đây là các bộ, Chính phủ và Viện kiểm sát tối cao. Nếu không thông qua được sẽ trả lại để làm lại”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với 4 nội dung Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình mà chưa đưa vào thì Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp và các Ủy ban khác, gồm: Kinh tế, Tài chính khẩn trương thẩm tra, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến để ra nghị quyết để bổ sung vào chương trình. Trường hợp đủ điều kiện bổ sung vào Chương trình sẽ báo cáo với các vị đại biểu. Chính phủ và các cơ quan cần khẩn trương chuẩn bị để thẩm tra chính thức và sẽ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp.
Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị các cơ quan cố gắng hoàn chỉnh tài liệu trước ngày 21/9 để gửi đến các cơ quan Quốc hội để thẩm tra chính thức, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9, phấn đấu mùng 1/10 trước khi khai mạc 20 ngày phải có tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội.
“Năm nay là Trung ương có đổi mới Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 10 sẽ tổ chức họp từ tuần tới 16 – 20/9, sớm hơn mọi năm rất nhiều. Do đó, đối với một số nội dung kỳ họp trình ý kiến tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thì Trung ương cũng sẽ có kết luận sớm. Cho nên các cơ quan chủ trì nội dung, các cơ quan thẩm tra cần khẩn trương phối hợp hoàn thiện ngay sau khi kết thúc hội nghị Trung ương để trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến và có tài liệu gửi sớm đến các đại biểu Quốc hội”, Phó Chủ tịch nhắc nhở.
Trong bối cảnh như vậy, ông đề nghị các cơ quan phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất thời gian họp Thường vụ Quốc hội phiên tháng 10 sớm hơn, có thể là dài hơn nếu có nhiều nội dung.
Về chương trình kỳ họp, Ủy ban thường vụ nhất trí dự kiến chương trình kỳ họp và cách thức tiến hành Kỳ họp thứ 8 theo hướng Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội và kỳ họp Quốc hội tiến hành thành 2 đợt, có thời gian nghỉ giữa 2 đợt để các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội và bố trí thời gian để Chủ tịch Quốc hội đi công tác.
Như vậy, kỳ họp sẽ khai mạc vào 21/10 và bế mạc vào sáng ngày 30/11. Chương trình sẽ điều chỉnh phải họp thêm các ngày thứ bảy trong các tuần và có thể phải rút ngắn khoảng cách giữa 2 đợt họp để có đủ thời gian thông qua các nội dung mà kỳ họp đã được thiết kế trong chương trình. Bố trí thảo luận nhân sự vào chiều ngày 21/9, bố trí thảo luận sớm ngay đầu kỳ họp đối với các luật mà Quốc hội sẽ thông qua để có thời gian cho các cơ quan xử lý. Đối với các luật thông qua theo quy trình một kỳ họp cũng phải bố trí 2 đợt giống như 2 kỳ nhưng phải là 2 vòng nên rất mất thời gian.
Về thảo luận kinh tế xã hội, Phó Chủ tịch đề nghi tăng thời gian thảo luận kinh tế, xã hội ở tại tổ một buổi và giảm thời gian thảo luận tại hội trường từ 2 ngày xuống 1 ngày. Thời gian chất vấn giảm từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày.
Về các công việc tiếp theo, Phó Chủ tịch đề nghị các cơ quan: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thì chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về tất cả các luật và các đề án mình theo dõi mà cần phải trình Quốc hội xem xét thông qua và báo cáo lần đầu theo hướng dẫn của Ủy ban Pháp luật.
Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan là Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Chánh văn phòng Ban cán sự đảng Chính phủ, thu xếp lịch họp của Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội liên tịch vào chiều ngày 20/9 để thống nhất lãnh đạo chuẩn bị kỳ họp. Các ủy viên đảng đoàn phụ trách các đề án thì chuẩn bị ý kiến để phát biểu tại Hội nghị này.
Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tăng cường rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp tại cơ sở để hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp trong kỳ họp.
Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến Ủy ban thường vụ bằng văn bản trước khi gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, trong đó lưu ý thông tin sâu, cụ thể để đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân hiểu rõ, đồng thuận với những cái nội dung mà Quốc hội đã xem xét, quyết định.
Văn phòng Quốc hội tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất kỹ thuật, an ninh, an toàn y tế, bố trí ăn, ở cho đại biểu Quốc hội để kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả. Các Ủy ban phối hợp với Tổng thư ký là kiểm soát chặt chẽ tình hình chuẩn bị báo cáo trình bày tại hội trường.