Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội
Tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 4 đến ngày 9/11) diễn ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó, trọng tâm là công tác lập pháp và giám sát, với nhiều dự án Luật được thảo luận. Đáng chú ý, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt.
Nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác lập pháp và giám sát
Trong tuần, Quốc hội thảo luận nhiều dự án Luật quan trọng gồm: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Dữ liệu...
Ngày làm việc đầu tiên của tuần thứ 3 (sáng 4/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Trong phiên họp sáng 5/11, Quốc hội cũng dành phần lớn thời gian thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước.
Chiều 5/11, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung đóng góp về các nội dung: Nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản theo trữ lượng; xem xét lại quy định phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đến tài nguyên...
Như vậy, trong tuần làm việc thứ 3 của Quốc hội, một loạt dự án Luật đã được xem xét, đóng góp ý kiến và thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc quy định cụ thể, chi tiết hơn trong dự thảo luật để kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Sửa đổi luật nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Quân đội
Đáng chú ý, sáng 5/11, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam. Tại phiên thảo luận, có 12 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến và 4 lượt ĐBQH tranh luận; trong đó, các ĐBQH đã tập trung thảo luận về các nội dung: chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn; việc bổ nhiệm cấp tướng; điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan; việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng đặc biệt; quản lý Nhà nước về sĩ quan; chính sách nhà ở cho sĩ quan; chế độ đối với lực lượng biệt phái, tình báo; hiệu lực thi hành, quy trình, thủ tục ban hành Luật...
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách trong luật nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ QĐND Việt Nam.
Một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý trong dự thảo luật lần này là Điều 13 quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; cấp tướng: 60.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định, khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1, Điều này không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, việc tăng như vậy là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt và cũng phù hợp với xây dựng Quân đội trong giai đoạn hiện nay. Hiện tại, các sĩ quan từ Trung tá trở xuống theo Luật Bảo hiểm xã hội đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm nên không đủ 75% lương hưu.
“Việc tăng tuổi là nhằm tiệm cận với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội để các sĩ quan khi về nghỉ hưu được hưởng đủ chế độ, mặt khác, việc nâng tuổi nghỉ hưu còn nhằm thu hút nhân tài phục vụ trong Quân đội. Do vậy, tôi tán thành với quy định này” - đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
PV (tổng hợp)