Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về một số dự án Luật
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 12 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.
Tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị cân nhắc bỏ hình phạt tử hình đối với 3 loại tội: tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh.
Theo đại biểu đề nghị nên giữ nguyên mức hình phạt tử hình đối với 3 loại tội danh này bảo đảm tính răn đe đối với những hành vi rất nguy hiểm mà chúng ta đang tập trung đấu tranh. Bên cạnh đó, đại biểu cũng tán thành việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 18 tội danh như quy định của dự luật.
Thảo luận tại tổ, đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, đúng tiến độ, lộ trình theo kết luận của Bộ Chính trị và yêu cầu của Quốc hội.
Theo đại biểu, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã là rất cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị rà soát lại việc đang quy định lại một số quyền giao cho Điều tra viên là Trưởng Công an xã, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu cũng tham gia ý kiến về quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực trong dự thảo Luật.
Cùng tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đồng tình với chủ trương sửa đổi Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nêu ý kiến về đề xuất bỏ phạt tử hình 8 tội danh, đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc trong việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh nhất là 2 tội danh tham ô tài sản, nhận hối lộ và tội phạm ma túy.

Đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại Tổ.
Đối với tội sử dụng trái phép chất ma túy, theo đại biểu, thực tế cho thấy, người nghiện ma túy nếu không áp dụng các chế tài hình sự mà áp dụng những chế tài xử ly hành chính và không có hình thức tốt nhất để xử lý những đối tượng này ở ngoài xã hội thì sẽ gây ra những hậu quả rất lớn cho trật tự an toàn xã hội, tội phạm phát sinh từ việc nghiện ma túy, giết người, cướp của… Do vậy, đề nghị nên quy định xử lý lại các loại hình tội phạm này trong Bộ luật hình sự, dùng chế tài hình sự nghiêm khắc để có điều kiện cách ly những đối tượng này ra khỏi xã hội, mục đích cũng là vừa cai nghiện nhưng cũng vừa cách ly để tạo an toàn cho xã hội, ngăn ngừa tái sử dụng trái phép chất ma túy…
Tham gia ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Thành Công, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng với những quy định xử lý tài sản bảo đảm của pháp luật hiện hành, vẫn xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu.
Vì vậy, nếu pháp luật quy định những cơ chế rất ưu tiên trong xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến tình trạng ngân hàng chủ quan hơn trong đánh giá khách hàng, đánh giá phương án kinh doanh khi quyết định cấp tín dụng vì ngân hàng sẽ cho rằng, không cần đánh giá quá kỹ, vì khi xảy ra nợ xấu, đã có thể dễ dàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, nếu không các chính sách này được luật hóa có thể dẫn đến hiệu quả ngược, đó là có thể xử lý được nợ xấu hiện hữu, nhưng làm tăng nợ xấu tương lai.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, các chính sách trong luật có thể ảnh hưởng đến quyền tài sản của các tổ chức, cá nhân. Bộ Luật Dân sự quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, trong đó có nguyên tắc “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản” và quy định “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ luật này”.
Việc quy định ngân hàng được đơn phương xử lý tài sản bảo đảm, không thông qua các cơ quan tư pháp và trình tự, thủ tục tố dụng dân sự, có thể vi phạm nguyên tắc mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của bên thứ 3. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng tác động của các chính sách nêu trên.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.