Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Quyết tâm cao, kỳ vọng lớn
Khai mạc sớm hơn thông lệ với khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục cho thấy tinh thần của Cơ quan lập pháp trong việc cụ thể hóa các quyết tâm chính trị, đáp ứng kịp thời, cấp bách những đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ chuẩn bị tốt nhất các nội dung trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ST
Mở ra cục diện mới phát triển đất nước
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 31 dự án luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật (chưa kể các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã sẽ xem xét, quyết định trong thời gian diễn ra Kỳ họp). Đây là con số kỷ lục các dự luật, nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một Kỳ họp cho đến nay. Để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khai mạc Kỳ họp sớm hơn thông lệ. Dự kiến, Quốc hội sẽ họp Phiên khai mạc vào ngày 05/5.
Diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp thứ 9 là cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị (Nghị quyết số 60-NQ/TW), trong đó có việc sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… mở ra cục diện mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với tầm nhìn lâu dài.
Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng với khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cùng với đó, Quốc hội sẽ ưu tiên cao nhất cho việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, nhằm nhanh chóng triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp ĐVHC, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; xây dựng hành lang pháp lý để vận hành hệ thống chính trị sau sắp xếp, tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

TS. Lê Minh Nam - Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quyết sách rất lớn, rất quan trọng, mang tính cách mạng, có tính lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm cải cách, đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Trong điều kiện thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung thay đổi có tính cách mạng, một số vấn đề mới, khó… Tuy nhiên, tôi cho rằng, với quyết tâm chính trị rất cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nội dung quyết sách của Đảng rất rõ, những vấn đề trọng tâm, mục tiêu chiến lược, tầm nhìn vượt trội, giải pháp cơ bản đã thể hiện rõ ràng trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thể chế hóa các quy định pháp luật kịp thời, đáp ứng công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh.
Quốc hội luôn xác định tinh thần chia sẻ, đồng hành rất cao với Chính phủ trên nguyên tắc thống nhất vì mục tiêu chung. Đây là yếu tố quan trọng, then chốt giúp cho triển khai thực hiện nội dung Kỳ họp đạt kết quả tích cực. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các cơ quan của Chính phủ đã rất vất vả, nỗ lực trong xây dựng dự thảo; các cơ quan của Quốc hội cũng rất bận rộn và quyết tâm, không quản ngày đêm phối hợp rà soát từ sớm từ xa để sớm hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội đảm bảo thời gian dự kiến. Tất cả đều chung sức, đồng lòng vì mục tiêu, lợi ích cao cả của đất nước, dân tộc, tạo được sự chia sẻ và đồng thuận cao trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, thời gian qua, việc phổ biến, quán triệt đầy đủ, rộng rãi các chủ trương chính sách của Đảng không chỉ riêng cho cán bộ, đảng viên mà còn đến toàn thể cử tri và nhân dân cả nước; được công khai minh bạch với kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Chính yếu tố này sẽ giúp cho việc thống nhất nhận thức, tư tưởng, hiểu rõ được tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu từ nghị quyết của Đảng xuyên suốt đến quy định pháp luật theo đó thực thi pháp luật một cách tự giác và hiệu quả hơn.
Với ý nghĩa đó, tôi tin tưởng rằng Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện những quyết sách lịch sử của Đảng ta, là điều kiện pháp lý làm tiền đề cho việc thực thi trên thực tiễn, thúc đẩy phát triển đất nước nhanh, mạnh, hiệu quả, bền vững.
TS. Lê Minh Nam - Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế
Cùng với các quyết sách phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 9 cũng dày đặc với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trải rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách đến giáo dục, lao động… Điều này thể hiện quyết tâm của Quốc hội nhằm tiếp tục tháo gỡ rào cản thể chế trên các lĩnh vực; đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải biến thể chế từ “điểm nghẽn” trở thành lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số... nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. “Các dự luật này sẽ đặt nền móng cho những cải cách tiếp theo, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, quản trị an ninh dữ liệu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây đều là những lĩnh vực mới, phức tạp, cho thấy tầm nhìn đi trước đón đầu của Quốc hội đối với xu thế phát triển của đất nước và thế giới” - đại biểu Trần Văn Khải - đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh.
Nhắc lại lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 - công việc trước mắt rất bộn bề, thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi cấp bách, nhân dân, cán bộ đảng viên đang mong chờ, nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, gian khó… - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước cử tri và nhân dân./.