Kỳ họp thứ 9: Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Thanh niên sửa đổi

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án - Ảnh: TTXVN

Chiều 16/6, với 90,27% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày, cho thấy dự thảo luật đã được xem xét, chỉnh lý một số nội dung về phạm vi hòa giải, đối thoại tại tòa án; về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án; phạm vi hoạt động của hòa giải viên; trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án và chỉ định hòa giải viên; thủ tục ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và việc xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm 4 chương, 42 điều. Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định tại Luật này làm hòa giải viên và tạo điều kiện, hỗ trợ cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Cũng chiều 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) với 91,3% đại biểu tán thành. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 4 và Điều 12 trong dự thảo luật với tỉ lệ tán thành cao.

Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý cơ bản dự thảo luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày cho thấy dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành một điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên.

Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo luật bổ sung một chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.

Nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Với cách tiếp cận này, dự thảo đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Đồng thời, dự thảo luật thiết kế một chương quy định về quản lý nhà nước nhằm mục đích giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai các chính sách đối với thanh niên được quy định trong luật.

Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 Chương, 41 Điều, giảm 21 điều so với Dự thảo 6 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Luật quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, nhà trường, gia đình, tổ chức thanh niên, cá nhân và các tổ chức khác đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên.

Luật áp dụng đối với thanh niên (các công dân Việt Nam Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi); cơ quan, tổ chức, cá nhân; nhà trường, gia đình.

BTV (theo TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/241116/ky-hop-thu-9--quoc-hoi-thong-qua-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an--luat-thanh-nien-sua-doi.html