Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, ngày 7/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia chất vấn. Ảnh: TTXVN

Theo đó, trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về các vấn đề: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu câu hỏi: Việc sáp nhập các trường Tiểu học, THCS lại làm trường nhiều cấp học có đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ hay không? Nếu đúng thì dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào để sáp nhập. Bởi trước đây, vào đầu những năm 1980 chúng ta đã sáp nhập cấp 1 và cấp 2 với nhau thành trường Phổ thông cơ sở. Sau 10 năm thực hiện, mô hình này không cho hiệu quả nên Nhà nước đã quyết định tách ra.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: việc sáp nhập các trường Tiểu học, THCS thành trường nhiều cấp học nhằm đảm bảo 3 chỉ tiêu: vừa giảm biên chế, vừa giảm số đầu mối và vừa đảm bảo xã hội hóa. Điều này thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp, cơ cấu lại các trường, điểm trường quá nhỏ lẻ là vấn đề ưu tiên, nếu sắp xếp gọn lại sẽ giảm chi phí quản lý rất lớn.

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã cùng tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Văn Phương.

Tranh luận với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương có quy định: "Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương". Đại biểu nhấn mạnh: "Theo tôi, quy định như vậy nhằm giải quyết tình hình thực tế tại một số địa phương do địa bàn chia cắt, địa hình phức tạp, nếu cứ cứng nhắc thành lập các trường riêng rẽ thì các cháu đi học sẽ rất vất vả. Vì vậy cần phải thành lập một trường nhiều cấp học để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học, chứ đây không phải là chủ trương sáp nhập trường Tiểu học và THCS để bớt đi đầu mối, bớt đi biên chế".

Cũng theo đại biểu Bùi Văn Phương, hiện nay, các địa phương đang có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định này. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ cần sớm có văn bản chỉ đạo để hướng dẫn kịp thời, đảm bảo việc tinh giản bộ máy nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về các vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.

Kết luận phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng; nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành; đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua, đối với công tác quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn.

Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ, xử lý tồn tại của các dự án điện trọng điểm, trước hết, năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải.

Triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường xây dựng thương hiệu Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử; xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số...

Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tam-quoc-hoi-khoa-xiv-iai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-chat-van-bo-truong-bo-noi-vu-20191107071115689p12c16.htm