Kỳ I: Minh bạch giúp nâng cao hiệu quả
Nhờ thực hiện tốt nhiều biện pháp đồng bộ, thời gian vừa qua công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã đạt một số kết quả nhất định. Các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng đã được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Rõ việc, rõ người
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý TTXD trên địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý nhà nước khi chuyển giao, các UBND quận, huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo ban hành các văn bản nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý TTXD trên địa bàn. Theo đó, công tác phối hợp, trình tự tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và quản lý được phân công rõ người, rõ việc đến từng đơn vị định kỳ theo tháng, quý.
Kiểm tra, kiểm soát toàn diện các công trình có hoạt động xây dựng trên địa bàn là nhiệm vụ được UBND quận Ba Đình đặt ra nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Cùng với đó là việc kết hợp làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức tham gia quá trình quản lý.
Nhờ đó, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng ở quận đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Năm 2018, trong số 867 công trình có hoạt động xây dựng trên địa bàn, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị Ba Đình đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 14 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (chiếm tỷ lệ 1,6%). Tỷ lệ công trình xây dựng có phép đạt 100%, tăng 0,6% so với năm 2017. Trên toàn thành phố, với nỗ lực lập lại kỷ cương trong hoạt động xây dựng, 2 năm trở lại đây, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng đã giảm mạnh.
Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, năm 2016 trên địa bàn thành phố có 2.469 công trình vi phạm/19.138 công trình đã kiểm tra (chiếm 13,9%), thì năm 2018, con số này giảm chỉ còn 5,22% (1.065 công trình vi phạm/20.367 công trình kiểm tra). Không chỉ giảm mạnh số công trình xây dựng vi phạm mới, giảm số công trình vi phạm tồn đọng (giảm gần 90%), những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm cũng giảm hẳn.
Vai trò người đứng đầu
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ thực tiễn quản lý, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác quản lý trật tự xây dựng tại nơi đó hiệu quả - việc xử lý vi phạm được kịp thời, triệt để. Trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn sẽ dần vào nền nếp, giảm các công trình vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế người đứng đầu một số địa phương chưa thực sự đề cao trách nhiệm, còn giao phó cho Đội quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn giải quyết, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm của tổ chức, cá nhân khi cố tình vi phạm. Một bộ phận còn nể nang, né tránh ngại va chạm dẫn đến công tác xử lý chưa được dứt diểm, kịp thời.
Từ thực tế này, bên cạnh việc bàn giao công tác quản lý tổ TTXD về địa phương, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố (Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2019). Việc ban hành quyết định này là cần thiết, có tính cấp bách để phù hợp với tình hình thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố hiện nay khi gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với từng vụ việc.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-i-minh-bach-giup-nang-cao-hieu-qua-92220.html