Kỳ I: Những mốc son đáng nhớ
Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã để lại nhiều bài học quý giá cho công tác tuyên giáo ngày nay.
Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ lúc ra đời (1961) đến khi hoàn thành nhiệm vụ (1975) đã thực hiện các hoạt động chủ yếu về huấn học, tuyên truyền, thông tấn - báo chí, văn hóa - văn nghệ,… trong kháng chiến. Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã để lại nhiều bài học quý giá cho công tác tuyên giáo ngày nay.
Trước âm mưu và thủ đoạn tiến hành chiến tranh mới của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã đặt ra cho cách mạng miền Nam cần thiết phải củng cố lại các tổ chức Đảng, cơ quan phụ trách công tác văn hóa- tư tưởng sau phong trào Đồng Khởi.
Thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam
Thực hiện chủ trương của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ngày 23.1.1961 đã quyết định thành lậpTrung ương Cục miền Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện những quyết sách quan trọng, có tầm chiến lược đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Trung ương Cục miền Nam tổ chức các cơ quan phụ trách các lĩnh vực như: quân sự, an ninh, tuyên huấn, hậu cần… để chỉ đạo các mảng công tác.
Sau một thời gian chuẩn bị về nhân sự và tổ chức, ngày 23.11.1961 tại Mã Đà, Chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai), Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Đây là cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và được Trung ương Cục miền Nam giao phụ trách mảng công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền, giáo dục trong toàn đảng bộ miền Nam để phát động quân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ban Tuyên huấn có nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu, giúp Trung ương Cục miền Nam thống nhất chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác chính trị tư tưởng, văn hóa, tuyên truyền hướng dẫn đường lối của Đảng về cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục nêu rõ: Công tác tư tưởng chính trị, cổ động tuyên truyền đang đòi hỏi cấp bách một bộ máy tổ chức lãnh đạo với một đội ngũ cán bộ tuyên huấn thích ứng với mọi tình huống trong tình hình mới. Bộ Chính trị đã chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Linh- Bí thư Trung ương Cục kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.
Do tính chất đặc biệt quan trọng và yêu cầu thường trực đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng của Đảng, các đồng chí Bí thư, Thường vụ Trung ương Cục đều kiêm Trưởng ban hoặc chỉ đạo trực tiếp công tác tuyên huấn trong từng thời kỳ, như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng.
Đến năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ.
Khi thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ có khoảng 150 người quy tụ chủ yếu cán bộ ở lại chiến trường sau Hiệp định Genève 1954, gồm 6 bộ phận: Văn phòng Ban (văn thư, cơ yếu, giao liên, bảo vệ); Thông tấn xã Giải phóng; Đài phát thanh Giải phóng; Bộ phận đối ngoại tiếng Anh, Pháp; Nhà in Trần Phú và Đoàn văn công Giải phóng. Từ năm 1962 đến năm 1974, Ban Tuyên huấn phát triển lớn mạnh lên đến 3.700 cán bộ.
Ban Tuyên huấn Trung ương Cục- Cơ quan tư tưởng của cách mạng miền Nam
Sau Hiệp định Genève, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở miền Nam. Từ đây, Nhân dân miền Nam bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ 21 năm ròng rã, từ năm 1954 đến năm 1975. Trong cuộc trường chinh ấy, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã đồng hành với quá trình đấu tranh của cách mạng miền Nam từ những ngày đầu cho đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa- Chính ủy Quân đoàn 4 (nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu họp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (20.12.1960 - 20.12.2010), tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thực hiện song song chức năng cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam và đảm nhận nhiều nhiệm vụ chuyên trách của cơ quan chính quyền cách mạng. Do đặc thù của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, hoạt động của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã thực hiện song hành hai vai trò: Ban chuyên môn của Trung ương Cục (Ban Đảng); cơ quan chính quyền của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời (chức năng chính quyền).
Trong chiến tranh, một tổ chức thực hiện song hành hai vai trò, hai nhiệm vụ là nét độc đáo về chỉ đạo hoạt động chỉ đạo thực tiễn của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục trên chiến trường miền Nam.
Tổ chức và hoạt động của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam ngày càng hoàn thiện và có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong kháng chiến. Trong kháng chiến, bên cạnh việc củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các bộ phận “tinh gọn” nhằm phục vụ công tác chỉ đạo cũng như triển khai các hoạt động mang tính cơ động, cấp thiết, sẵn sàng tác chiến trong trường hợp đột xuất, kịp thời chi viện cho các địa bàn trọng điểm, đồng thời xây dựng mạng lưới thông tin phong phú về nội dung, hình thức và thể loại các ấn phẩm phục vụ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và hoạt động đối ngoại, đáp ứng nhu cầu thông tin trong chiến tranh của cách mạng miền Nam.
Đảng Lao động Việt Nam đã thành lập cơ quan tiền phương là Trung ương Cục, trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam ra đời là bước tiếp theo của Đảng trong việc xây dựng hệ thống và hoàn thiện tổ chức công tác tuyên huấn của Đảng ở miền Nam.
Cũng từ đây, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trở thành cơ quan tiền phương của hệ thống tuyên huấn của Đảng Lao động Việt Nam trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Cơ quan tiền phương này có nhiệm vụ tham mưu giúp Đảng chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, công tác văn hóa- văn nghệ trong và ngoài Đảng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công tác tuyên huấn đã huy động được cả hệ thống chính trị, quân dân chính đảng và các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là cán bộ tuyên huấn, tạo thành một mặt trận văn hóa - tư tưởng thống nhất, đấu tranh chống lại các hoạt động chiến tranh tâm lý chiến.
Thế trận này được tổ chức và thực hiện bởi một lực lượng đông đảo các cơ quan, bộ phận phục vụ như: Thông tấn xã Giải phóng, Tuyên truyền, Huấn học, Giáo dục, Văn nghệ, Đài phát thanh Giải phóng, Trường Đào tạo, Báo Giải phóng, Báo Tiền phong, Tập san Tuyên huấn, Tập san Sinh hoạt văn nghệ, Tạp chí Thời sự nhân dân…
Đại Dương
(còn tiếp)
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-i-nhung-moc-son-dang-nho-a175898.html