Kỳ II: 25 năm xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư

Trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ XIV đến XIX, đầu tư kết cấu hạ tầng luôn được xác định là khâu đột phá, là cơ sở nền tảng cho thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Sự phát triển về mạng lưới giao thông, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm đã đem lại những đổi thay đáng kể cho Phú Thọ sau một phần tư thế kỷ.

Trong bối cảnh tỉnh mới tái lập, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn lực hạn chế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV năm 1997 đã đề ra phương hướng là “Tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, phát triển mạnh công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...”.

Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh sau này, xuyên suốt từ Đại hội XV đến XVIII, đầu tư kết cấu hạ tầng luôn được xác định là khâu đột phá cho sự phát triển KT-XH cả nhiệm kỳ. Mạng lưới giao thông toàn tỉnh dần hoàn thiện, hạ tầng phát triển công nghiệp dịch vụ phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình phục vụ giáo dục, y tế, văn hóa đã tạo nên sự đổi thay cho tỉnh trung du, miền núi.

Hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp được tăng cường; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, năm 2021 chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 10/63 tỉnh, thành; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thứ 22 trong cả nước, đứng thứ 3 vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Phú Thọ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới trước 3 năm so với mục tiêu đề ra; đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 đơn vị cấp huyện là: Huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh bình quân đạt gần 16 tiêu chí/xã.

Sau 25 năm, những con đường dốc cao hiểm trở khi xưa đã dần được thay bằng các tuyến đường lớn rộng mở về tới bản. Những cây cầu mới, những con đường mới không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương mà còn mở rộng đối ngoại, thu hút đầu tư.

Toàn tỉnh đã có hơn 10.000km đường giao thông, 11 cây cầu lớn, đường nhựa đến trung tâm của 225 xã, thị trấn, giúp kết nối giao thương, mở rộng đối ngoại giữa các vùng miền, nhất là khi Phú Thọ đang ở vị trí kết nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các công trình dự án trọng điểm được hoàn thiện, đưa vào sử dụng đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định khâu đột phá của nhiệm kỳ là tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Trong đó tập trung một số giải pháp: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chú trọng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhóm PV Điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202201/ky-ii-25-nam-xay-dung-ket-cau-ha-tang-gan-voi-thu-hut-dau-tu-182027