Kỳ II: Cai nghiện ma túy tập trung: Khó vì không có học viên ?
PTĐT - Như kỳ trước chúng tôi đã đề cập, việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa thực sự hiệu quả, nhưng thủ tục để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện theo hình thức bắt buộc lại rất rườm rà.

Các học viên tham gia tăng gia sản xuất rau xanh, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm cho cơ sở điều trị.
>>> Kỳ I: “Lỗ hổng” trong cai nghiện tại cộng đồng
PTĐT - Như kỳ trước chúng tôi đã đề cập, việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa thực sự hiệu quả, nhưng thủ tục để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện theo hình thức bắt buộc lại rất rườm rà. Trong khi nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện, chưa có phác đồ điều trị cai nghiện hiệu quả thì việc quản lý, đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc cần được các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Có lãng phí về cơ sở vật chất ?
Bước chân qua cánh cổng của Cơ sở điều trị nghiện ma túy ở xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, chúng tôi cảm nhận sự trầm lắng, vắng vẻ giữa không gian rộng hàng chục hecta với những dãy nhà cao tầng và vườn cây xanh tốt, cắt tỉa gọn gàng. Với quy mô cai nghiện cho khoảng 600 người, nhưng tại khu hành chính, chỉ có lác đác vài người nhà đến làm thủ tục thăm nuôi bệnh nhân. Thời điểm chúng tôi có mặt, cơ sở chỉ có trên 50 học viên, trong đó hơn 40 học viên cai nghiện bắt buộc và hơn 10 học viên cai nghiện tự nguyện. Giải đáp thắc mắc của phóng viên về sự vắng vẻ này, ông Hoàng Dương Chiến - Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết: “Kể từ năm 2014 trở về trước, trung bình mỗi năm cơ sở quản lý, điều trị, dạy nghề, lao động trị liệu cho khoảng 500 - 600 lượt học viên, trong đó tiếp nhận mới khoảng 250 - 300 người. Từ năm 2014 đến nay, do thay đổi về chính sách và mục tiêu cai nghiện, mỗi năm chỉ tiếp nhận mới vài chục học viên cai nghiện bắt buộc. Riêng năm 2019, cả 2 cơ sở tiếp nhận mới 34 học viên cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/NĐ-CP của Chính phủ”. Được biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tăng dần điều trị cai nghiện tự nguyện, giảm dần cai nghiện bắt buộc với lộ trình phù hợp, tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp với các quy định mới của Chính phủ, cuối năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tại các Trung tâm và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”. Theo đó, đến năm 2020, Cơ sở điều trị nghiện ma túy sẽ có khả năng tổ chức cai nghiện với quy mô cho khoảng 550 học viên, trong số này tổ chức cai nghiện bắt buộc cho 150 học viên; cai nghiện tự nguyện cho 250 học viên và cấp phát thuốc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 150 học viên. Cơ sở vật chất cũng được quy hoạch, tăng cường cho từng phân khu với diện tích trên 30ha. Hiện Cơ sở 1 đang triển khai xây mới khu điều trị theo yêu cầu với 10 phòng thiết kế đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho bệnh nhân, nâng cấp khu vui chơi thể thao, cải tạo cảnh quan xung quanh nhằm tạo môi trường thân thiện, gần gũi. Khu nhà dành cho cắt cơn và 2 nhà xưởng học nghề cũng được đầu tư xây dựng, song do số lượng người vào cai nghiện tại Cơ sở ít nên công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, lao động trị liệu không thực hiện được. Việc làm hàng ngày của học viên tại đây chủ yếu là vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường và trồng trọt, chăn nuôi nhỏ. Cũng tại đây, Sở Y tế đã mở phòng điều trị Methadone nhưng vì không có bệnh nhân nên chuyển thành phòng công tác cộng đồng.Cơ sở vật chất đầy đủ, tuy nhiên, việc thu hút người vào cai nghiện tự nguyện chưa nhiều, thời gian cai nghiện ngắn. Năm 2019, tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy ở huyện Đoan Hùng trong số 113 người cai tự nguyện thì chỉ có 1 người cai từ 6 tháng trở lên, số còn lại phần lớn thời gian cai tự nguyện 1 tháng, thậm chí có người chỉ vào vài ngày rồi lại ra. Trong khi đó, cai nghiện bắt buộc thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian bởi các quy định hiện hành. Như vậy, với số lượng học viên mới chỉ đạt 1/10 so với công suất hoạt động của đơn vị, cơ sở vật chất nơi đây có trở nên lãng phí?

Cần bỏ những thủ tục rườm rà!Nguyên nhân cơ bản khiến cho người nghiện đi cai nghiện bắt buộc ít là do thủ tục quá phức tạp. Trước đây, những người nghiện khi sử dụng ma túy khi bị bắt, cơ quan công an kết hợp ngành y tế kiểm tra “test nhanh”, nếu kết quả dương tính với ma túy sẽ lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND huyện, thị, thành ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Nhưng từ khi Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ ban hành, thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải qua 5 đơn vị thẩm định gồm: Công an, y tế, tư pháp, Lao động - Thương binh & Xã hội, tòa án nên mất rất nhiều thời gian trong việc đưa được một người vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc. Trung tá Phạm Gia Tiên - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an thành phố Việt Trì chia sẻ: “Từ lúc công an lập hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện đến ngày TAND cấp huyện mở phiên tòa ra quyết định kéo dài gần 2 tháng và qua rất nhiều thủ tục, chưa kể ở mỗi khâu xét duyệt nếu hồ sơ không đúng quy định phải trả lại bổ sung thì càng lâu hơn. Vì vậy, việc quản lý người nghiện trong thời gian chờ Tòa án ra quyết định gặp khó khăn, nhiều đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú, chống người thi hành công vụ”. Thực tiễn cho thấy, để đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP cũng không hề đơn giản. Bởi theo quy định, muốn người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thì trước đó, người nghiện phải bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số: 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Sau khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong một thời gian nhất định mà không có hiệu quả thì mới bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trung tá Phan Anh Tuấn - Trưởng Công an phường Nông Trang, thành phố Việt Trì cho biết: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; hoặc bị chấm dứt áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn do vi phạm liên quan đến ma túy thì khi đó, công an mới có đủ căn cứ làm hồ sơ cho đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc”. Do phải trải qua nhiều quy trình với thủ tục rườm rà nên rất khó để đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới chỉ lập được 19 hồ sơ theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Kỳ III: Vì cộng đồng không ma túy