Kỳ II: Đưa sản phẩm 'từ làng ra phố'

Xác định đúng vai trò của công tác tiêu thụ, 7 năm qua, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm OCOP. Hành trình nỗ lực này không chỉ góp phần 'ghi danh' mà còn tạo 'chỗ đứng' cho nhiều sản phẩm của địa phương.

Động lực của doanh nghiệp

Cây Trà Hoa Vàng có mặt ở huyện Ba Chẽ đã lâu, nhưng phải đến khi Trà Hoa Vàng trở thành sản phẩm OCOP, nhiều người tiêu dùng mới biết đến một loại trà ngon và nhiều công dụng như thế. Từ chỗ Trà Hoa Vàng được nhiều người tiêu dùng biết đến, Công ty CP lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đã đạt doanh thu năm 2018 là 4 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 là 2,9 tỷ đồng – con số trước đây doanh nghiệp chưa từng dám mơ tới. Hay như sản phẩm ruốc hàu, ruốc cơ trai của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh. Trước khi tham gia OCOP, công ty tiêu thụ 100 sản phẩm/tháng, đến nay là 20 nghìn sản phẩm/tháng, doanh thu năm 2018 đạt 20 tỷ đồng, năm 2019 đạt 40 tỷ đồng…

 Các hội chợ OCOP thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng

Các hội chợ OCOP thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dưa lưới với những trái Kim Cô Nương, Bạch Kim lúc lỉu, căng tròn, anh Nguyễn Hữu Nhượng – Giám đốc Công ty CP Thương mại du lịch Đầm Hà (huyện Đầm Hà) - hồ hởi: "Tham gia Chương trình OCOP doanh nghiệp có nhiều cái lợi. Được hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, kết nối với thị trường hàng hóa tập trung… Đáng giá hơn, người sản xuất ý thức được việc sản xuất an toàn, biết áp dụng khoa học - công nghệ để sản phẩm không chỉ thơm ngon, năng suất mà còn có mẫu mã, bao bì với thương hiệu riêng; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường".

Cũng theo anh Nhượng, từ lúc tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm dưa lưới của công ty tiêu thụ khá tốt ở Hạ Long, với giá dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/kg (tùy theo mùa). Đặc biệt, khi tham gia các Hội chợ OCOP, sản phẩm mang đi bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Đây cũng là lý do để anh không ngừng mở rộng quy mô sản xuất.

Câu chuyện của anh Nhượng cũng giống nhiều câu chuyện của các đơn vị tham gia Chương trình OCOP mà chúng tôi từng tiếp xúc. Với họ, từ ý nghĩa, giá trị OCOP mang lại, chương trình trở thành động lực, mục tiêu mà doanh nghiệp theo đuổi, với khát vọng gia tăng giá trị sản phẩm cao nhất.

Có hành trình dài chứng kiến những kết quả của Chương trình OCOP, nên với ông Nguyễn Văn Đức – Phó Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới - OCOP là dấu ấn đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Quảng Ninh. Bởi không chỉ người sản xuất "nhìn thấy" cái lợi của chương trình, mà với người tiêu dùng "chứng nhận sản phẩm OCOP" mang lại cho họ niềm tin lớn vào những sản phẩm địa phương, do người Việt sản xuất.

Tạo vị thế cho sản phẩm

Nếu như câu chuyện sản xuất sản phẩm OCOP trải qua không ít thăng trầm thì việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP Quảng Ninh chính là hành trình của những nỗ lực không ngừng. Không đợi "hữu xạ tự nhiên hương", Quảng Ninh chủ động, rốt ráo tìm đầu ra, ngay cả khi nhiều sản phẩm mới sản xuất ở quy mô nhỏ.

Từ 6 gian trưng bày và bán 52 sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Lễ hội Carnaval Hạ Long 2014, đến năm 2015, Quảng Ninh bắt đầu tổ chức Hội chợ OCOP 2 kỳ/năm (Xuân, Hè). Tính đến nay, Sở Công Thương Quảng Ninh đã tổ chức thành công 14 kỳ hội chợ OCOP. Lượng khách đến với kỳ hội chợ sau đông hơn kỳ hội chợ trước từ 8 - 12%, doanh thu bán hàng tại hội chợ cũng tăng từ 15 - 20% qua các năm. Đặc biệt, từ năm 2018, Hội chợ OCOP Quảng Ninh được Bộ Công Thương đưa vào danh mục Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh: Cùng với các kỳ hội chợ OCOP, từ năm 2017, Sở Công Thương đã tổ chức Tuần kết nối tiêu dùng, Tuần xúc tiến tiêu thụ, Tuần giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh. Điều đáng mừng, trong những ngày diễn ra hoạt động, người dân rất ủng hộ, đón nhận.

Từ nhu cầu ngày càng tăng của người dân đối với sản phẩm OCOP, đến nay Quảng Ninh đã có 29 trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hàng năm, hội chợ OCOP cũng được tổ chức thường niên ở các huyện trong tỉnh.

Cũng từ khi OCOP được triển khai, Sở Công Thương "bận rộn" hơn bởi các chương trình kết nối cung - cầu. Đến nay, không ít sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã tham gia vào hệ thống phân phối lớn trong nước như: BigC, Coop Mart, T-mart, Eco-mart, VinMart, MM Mega Mart... và chuỗi cửa hàng tiện ích, nông sản, thực phẩm sạch tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng... Nhiều sản phẩm còn có mặt tại hội chợ thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia tại các tỉnh/thành phố trọng điểm trong nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

Có dịp tham gia hội chợ, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, cảm nhận được rất rõ sự nhiệt huyết của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương Quảng Ninh đối với việc tìm hướng tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Với họ, thêm một sản phẩm tham gia hệ thống phân phối bán lẻ là thêm hy vọng về sự ấm no, bền vững cho người nông dân. Khi các sản phẩm được người tiêu dùng cả nước tín nhiệm sẽ góp phần lan tỏa giá trị, ý nghĩa của Chương trình OCOP.

Khi chúng tôi hoàn thành bài viết này, cũng là lúc Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020 vừa kết thúc. Diễn ra trong 5 ngày, hội chợ thu hút được gần 73.000 lượt khách, doanh thu từ các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ước đạt 4,1 tỷ đồng. Sau sự "hà hơi tiếp sức" ban đầu, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP đang tự tin bước "từ làng ra phố". Với họ, chặng đường phía trước sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh, cả những đòi hỏi ngày càng gắt gao, nhưng đây là yếu tố để doanh nghiệp đáp ứng xu hướng của thị trường; đồng thời khẳng định hướng đi đúng của Quảng Ninh khi lựa chọn Chương trình OCOP để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-ii-dua-san-pham-tu-lang-ra-pho-147952.html