Kỳ II: Từ Làng Sảo, Hợp Thành đến Khau Tý - Phủ Chủ tịch nơi Thủ đô gió ngàn
Ngày 20/5/1947, Bác Hồ cùng 8 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi do Người đặt tên, vừa để giữ bí mật vừa là khẩu hiệu sống thể hiện 'Quyết tâm kháng chiến của chúng ta' xây dựng 'Phủ Chủ tịch' đầu tiên tại đồi Khau Tý.
Bài liên quan
Kỳ I: Vạn Phúc, Xóm Đồi và 8 người được Bác đặt tên
Làng Sảo, Hợp Thành
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ lặng lẽ rời xóm Đồi xã Cổ Tiết huyện Tam Nông (Phú Thọ) vào đêm 18/3/1947. Lúc này chiến sự đã lan rộng, ta chủ động rút để bảo toàn lực lượng. Việc chuẩn bị hậu cứ cho cuộc kháng chiến trường kỳ cũng đã cơ bản. Với chỉ đạo nhanh chóng rút lực lượng lên ATK của Hồ Chủ tịch, cho đến đầu tháng 4/1947, việc dời chuyển các cơ quan Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc đã hoàn thành.
Quân và dân đã tập kết 40.000 tấn muối, khoảng 40.000 tấn máy móc, thiết bị, nguyên liệu sau này dùng để xây dựng được 57 cơ sở sản xuất quân giới phục vụ kháng chiến. Ta cũng đã di chuyển cả các máy in báo, in tiền, cơ sở vật chất của bệnh viện, trường học, đài phát thanh lên chiến khu an toàn. Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm phân chia các khu vực trong ATK cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Chủ tịch phủ, Bộ Tổng chỉ huy…
Khu Lưu niệm Bác Hồ ở và làm việc tại xã Cổ Tiết huyện Tam Nông hôm nay.
Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các cơ quan kháng chiến lên đến Làng Sảo thuộc xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường trở lại Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến ghi: “Ngày 4/4/1946, tình hình vận chuyển muối ở Nho Quan lên Trung Hà gặp nhiều khó khăn, muối bị nghẽn ở Vân Đình rất nhiều… Ngày 7/4/1946, nhận thư cụ (Bác Hồ) giục chuyên chở các cơ quan và máy móc phải cấp tốc hơn. Tình hình nghiêm trọng, quân Pháp có thể tấn công… Báo Pháp đưa tin: Quân Pháp do bị hạn chế ở mặt trận Maddagaxca nên việc mở rộng chiến dịch bao vây chính phủ cụ Hồ rộng lớn không thành…”.
Làng Sảo xưa chỉ là một xóm nhỏ với khoảng hơn chục nóc nhà của đồng bào dân tộc Tày. Nơi này vốn chủ yếu là rừng rậm, nhưng có nhiều đường mòn đi lại thuận tiện cả trong vùng ATK - Tân Trào, sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên). Theo tài liệu của di tích thì những ngày đầu Bác Hồ ở và làm việc tại nhà ông Ma Văn Hiến. Đến cuối tháng 4/1947, Bác Hồ chuyển lên ở và làm việc tại căn lán nhỏ của gia đình bà Đinh Thị Tư ở cánh đồng Củ Đại, sát chân núi Lim.
Để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc sinh hoạt và làm việc, nhân dân địa phương, các đồng chí cận vệ đã dựng một căn lán nhỏ trên đồi cách cánh đồng Củ Đại hơn 100m. Đầu tháng 5/1947, Bác Hồ chuyển đến ở và làm việc tại căn lán này. Ngày nay vị trí lán được xây dựng thành Di tích Bác Hồ ở Làng Sảo. Hồ Chủ tịch đã chủ trì các phiên họp của Chính phủ, đặc biệt quan tâm đến công tác quốc phòng và tình hình chiến sự. Ngày 25/4/1947, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 45/SL, thiết lập Tòa án binh tối cao và quy định thành phần, thẩm quyền của Tòa án này.
Ở thôn Làng Sảo, ngoài lán Bác còn có lán Bộ Tài chính, trụ sở Phủ Thủ tướng, nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng, và một số cơ quan đóng trụ sở làm việc như: Bộ Tư pháp, Kho cất giấu ngân khố quốc gia, báo Cứu quốc...
Ngày nay, tại thôn Làng Sảo, ngoài điểm di tích chính còn có tất cả 12 bia đá ghi dấu những địa điểm đóng trú của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Trong thời gian ở Làng Sảo, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục hoàn chỉnh đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến cứu nước.
Những hoạt động của Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian này đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khó để đứng vững và phát triển, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Thôn Làng Sảo từ hơn chục ngôi nhà của đồng bào Tày cách đây 75 năm, giờ Làng Sảo có 116 hộ, năm 2021 vừa qua, Làng Sảo cùng với các thôn khác của xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương đã được công nhận xã nông thôn mới.
Tôi đã nhiều lần đến Sơn Dương, ngoài Tân Trào - nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945 còn xã Minh Thanh - nơi có sân bay dã chiến Lũng Cò trước năm 1945… Làng Sảo Hợp Thành hôm nay có nhiều đổi mới với những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông trải dài từ đầu làng đến cuối xóm, chạy quanh những quả đồi cao, thấp.
Ông Biền - Trưởng thôn Làng Sảo bảo: “Đến nay thôn đã hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới. Bà con trong thôn luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xây nông thôn mới, nếp sống văn minh”.
Đồng chí Hoàng Thế Mạnh - Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Bà con nhân dân Hợp Thành luôn tự hào về quê hương của mình… Bất chợt, từ miền ký ức nào, tôi nhớ về mấy câu thơ của Nhà thơ Nông Quốc Chấn: “Đến Sơn Dương, chẳng thấy sơn dương/Chỉ thấy gái trai bước trên đường/Ngăn suối, nước leo qua mấy núi/Bạt đồi lúa mọc xanh trên nương…” mà thấy trong lòng xốn xang khó tả.
Khau Tý - Phủ Chủ tịch nơi Thủ đô gió ngàn
Như chúng ta đã biết, Bác Hồ đã dự liệu tình hình và ngay từ tháng 10/1946 đã cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Trưởng Ban tài chính Trung ương Đảng trở lại Việt Bắc chuẩn bị hậu cứ. Một số địa điểm của Định Hóa (Thái Nguyên) và Chợ Đồn (Bắc Cạn) được chọn là căn cứ tuyệt mật của Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời Hà Nội.
Tháng 11/1946, Bác quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách và ngay lập tức họ đã lên Việt Bắc. Đội đã quyết định chọn Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Cạn) làm nơi xây dựng ATK Trung ương. Trong đó Thái Nguyên là trung tâm của ATK…
Về nơi làm việc của Bác, Bác yêu cầu: “Trên có núi,dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng gió, kín mái/Gần dân, không gần đường…”. Đồi Khau Tý (Điềm Mặc) - nơi Bác ở làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa thỏa mãn các yêu cầu trên.
Đồi Khau Tý rộng khoảng 2,3ha, tiếp nối với vài ba quả đồi rừng nằm hẻo lánh bên cánh đồng Thẩm Doọc, Nà Lạng, Nà Tra. Đồi cao cách mặt ruộng chừng 10 đến 15m, xanh ngát vàu, cọ, suối Đình chảy quanh từ đây có đường mòn ra Quảng Nạp đi Phú Minh, huyện Đại Từ hoặc ra Chợ Chu ngược lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) vượt đèo De, núi Hồng sang Tân Trào (Tuyên Quang), một nơi địa lợi nhân hòa, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” thuận tiện cho việc bảo vệ và liên lạc trong căn cứ địa Việt Bắc và đi toàn quốc.
Ngày 20/5/1947 Bác Hồ cùng 8 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi do Người đặt tên, vừa để giữ bí mật vừa là khẩu hiệu sống thể hiện “Quyết tâm kháng chiến của chúng ta” xây dựng “Phủ Chủ tịch” đầu tiên tại đồi Khau Tý, căn nhà sàn của Bác được ngăn đôi có cửa vào đằng trước qua ba bậc cầu thang và cửa thoát phía sau, một bên Bác ở và làm việc, một bên cho bộ phận bảo vệ giúp việc, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ở ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.
Gần cơ quan Phủ Chủ tịch có nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Văn Lương và Văn phòng Trung ương Đảng. Xóm bên Phụng Hiển có Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Văn phòng Bộ Quốc phòng - Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Bộ Tổng tham mưu ở xóm Khẩu Tràng sau sang xóm Bản Quyên, Quyền Trưởng ban thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt và Xuân Thủy cùng Báo Cứu quốc ở xóm Roòng Khoa. Điện ảnh và nhiếp ảnh ở đồi cọ Bản Bắc…
Ở Khau Tý - Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì nhiều cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, thường xuyên có mặt đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, Bác đã hoàn thiện, cho in và phát hành cuốn “Sửa đổi lối làm việc” - tài liệu rèn luyện Đảng ta cho đến nay còn nguyên giá trị thời sự. Bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng cũng được Bác viết dưới trăng rừng Khau Tý: “Đêm khuya nhân lúc quan hoài/Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần/Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà/Nước nhà đương gặp lúc cam go/Trăm việc ngàn công đều phải lo/Công việc nhờ anh em giúp đỡ/Sức nhiều thắng lợi lại càng to”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thái Nguyên ngày 20/5/1947 tại Điềm Mặc, Định Hóa và rời Thái Nguyên, rời Thủ đô gió ngàn ngày 12/10/1954 tại Bản Ngoại, Đại Từ. Trong 9 năm ấy, Bác cùng Bộ Chính trị đưa ra nhiều quyết sách lịch sử và lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, đúng như Người từng nói: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.
Đó là lời tiên đoán và khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào Việt Bắc vài tháng sau Ngày Toàn quốc kháng chiến. Thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã chứng minh nhận định của Bác là đúng đắn...
Tôi xin được kết thúc bài ghi chép tại 4 địa chỉ đỏ trong hành trình tác nghiệp đi lại con đường của Bác về chiến khu 75 năm trước bằng ý kiến của Chủ tịch xã Điềm Mặc Phùng Văn Đăng hôm 10/5/2022: Cán bộ và nhân dân Khau Tý, Điềm Mặc nguyện đoàn kết, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no là món quà báo công với Bác, chúc mừng sinh nhật Bác mỗi độ tháng 5 về.