Kỳ II: Xây dựng sản phẩm OCOP - những vấn đề đặt ra
PTĐT - Chương trình OCOP nhằm mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị thông qua việc hoàn thiện tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh ...
>>> Kỳ I: Đòn bẩy từ mỗi xã một sản phẩm
PTĐT - Chương trình OCOP nhằm mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị thông qua việc hoàn thiện tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, truyền thống, người dân có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chương trình ở các địa phương còn có những khó khăn nhất định, từ vấn đề lựa chọn, chuẩn hóa đến phát triển sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP được thực hiện theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng. Đây là một “sân chơi” nhằm khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên thị trường. Với chu trình 6 bước, sau khi đăng ký sản phẩm, các đơn vị sản xuất sẽ nhận phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện; cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm, trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Đối với những sản phẩm đang có lợi thế, đã có nhãn hiệu, việc thực hiện chu trình OCOP khá dễ dàng, không mất nhiều thời gian, nhưng đối với những xã không có sản phẩm truyền thống, đặc sản, đặc thù, sản phẩm là thế mạnh thì việc lựa chọn sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP là một thách thức lớn cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.Thực tế cho thấy, ngoài những xã đã xác định được sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng thì trên địa bàn tỉnh cũng còn khá nhiều xã vẫn đang loay hoay xác định xem đâu sẽ là sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương để tiến hành đầu tư có trọng tâm và từng bước tạo dựng được thương hiệu riêng cho xã hoặc cho một vùng sản xuất nào đó khi nhắc đến.Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP ở xã Tề Lễ, huyện Tam Nông được ông Nguyễn Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đặc thù của xã là sản xuất nông nghiệp đơn thuần, bà con tận dụng đồng đất để chăn nuôi, trồng trọt một số loại nông sản phổ biến như lúa, ngô, khoai sắn, rau củ quả với quy mô nhỏ hẹp; chăn nuôi cũng chỉ là trâu bò, lợn, gà, cá… với số lượng ít; không có sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu công nghiệp, dịch vụ. Cũng bởi các sản phẩm chỉ ở quy mô nhỏ, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hạn chế nên năng suất, chất lượng không cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng không ổn định, lâu dài... Do đó, khi khảo sát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình, xã vẫn chưa xác định được sản phẩm nào là tiềm năng, thế mạnh để phát triển, nâng lên thành sản phẩm OCOP. Hiện xã đang tích cực tuyên truyền, khích lệ người dân lựa chọn sản phẩm phù hợp, từ đó sẽ xây dựng kế hoạch, hỗ trợ phát triển sản phẩm.Không riêng gì Tề Lễ mà rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh, mặc dù có nhiều sản phẩm đang được sản xuất, song đều trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tư duy thời vụ, tự phát; sản xuất không tập trung, không có sự đầu tư, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến sản phẩm khó tìm được đầu ra tình trạng “rớt giá”, “ép giá” thường xuyên xảy ra, tạo tâm lý không mặn mà, thiếu tính bền vững của người sản xuất. Bà Vi Thị Thanh - nông dân khu 13, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba cho biết: “Chúng tôi sản xuất theo mùa vụ và kinh nghiệm là chính. Cứ thấy sản phẩm nào sản xuất ra bán có lãi là làm, người nọ bắt chước người kia làm theo. Có vụ cả làng cùng trồng ngô ngọt, khoai tây, khoai lang hoặc các loại rau, nhưng lãi không thấy đâu chỉ thấy bị ép giá. Thành thử không có loại nông sản nào gắn bó với đồng ruộng được lâu dài ngoài cây lúa, cây ngô truyền thống”.
Tâm sự của bà Thanh cũng là tâm sự của phần lớn người sản xuất hiện nay. Đó cũng là một trong những khó khăn của các địa phương trong vấn đề xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng để phát triển OCOP.Dựa trên các sản phẩm nông sản truyền thống của địa phương, huyện Yên Lập đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển, vận động các hộ dân tổ chức lại sản xuất; thực hiện các chính sách hỗ trợ mẫu mã bao bì, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng giá trị cho sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả, thế mạnh khi tham gia OCOP. Ông Hoàng Văn Cường-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Lập trao đổi: Sản phẩm OCOP cần đáp ứng được một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, tập hợp sức mạnh cộng đồng, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền. Do vậy, để xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm nào có thể phát triển trở thành chủ lực, sau đó quy hoạch vùng sản xuất. Tuy nhiên, vẫn rất cần các cơ quan khoa học hỗ trợ nghiên cứu về các điều kiện tự nhiên để có thể xác định được các loại cây, con phù hợp.Ở nông thôn, có thể một cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm, hoặc một sản phẩm có nhiều cơ sở sản xuất, tuy nhiên, sản phẩm của đơn vị nào đáp ứng tiêu chuẩn mới trở thành sản phẩm OCOP. Do đó, yếu tố tự chủ của mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh là vấn đề quan trọng hàng đầu, rất cần có sự tư duy sáng tạo trong sản xuất kinh doanh để tìm ra những sản phẩm riêng có cho mình, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định. Sau khi nhận diện được sản phẩm tham gia chương trình, vấn đề chuẩn hóa, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP vẫn là “câu chuyện dài”. Ngay cả đối với các địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực tham gia OCOP, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề được đánh giá cao bởi yếu tố chất lượng, truyền thống và đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, song không phải sản phẩm nào cũng phát huy được thế mạnh, bởi các cơ sở sản xuất, các làng nghề đang phải đối mặt với những thách thức lớn về thiếu nguồn lao động tay nghề cao, vốn đầu tư để đổi mới công nghệ sản xuất, trình độ quản trị sản xuất kinh doanh. Như chúng ta đã biết, sản phẩm chủ lực phải là sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ chủ yếu, có khả năng sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn và năng lực cạnh tranh cao. Thực tế các sản phẩm chủ lực của tỉnh chủ yếu vẫn là sơ chế, chưa được chế biến sâu, thị trường tiêu thụ chưa rộng, thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ chế biến. Điều này cũng là hạn chế không nhỏ cho sự phát triển của sản phẩm OCOP. Ở tỉnh ta hiện nay, ngoài bưởi và chè, hầu hết các sản phẩm khác vùng nguyên liệu không có hoặc chưa đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất.Một vấn đề khác cần quan tâm đó là việc xây dựng các dự án liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm khai thác thế mạnh sản phẩm. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn trong việc chuẩn hóa và nâng cấp sản phẩm hiện có. Đa phần các sản phẩm ở các địa phương hiện nay có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp đến phi nông nghiệp vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, “mạnh ai nấy làm”, thói quen sản xuất theo hướng tự phát; thiếu, yếu về công nghệ, chưa xây dựng được liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc, do đó, khó đáp ứng tiêu chí xuất xứ và tiêu thụ theo hướng thương mại hiện đại. Công tác xúc tiến thương mại là một giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, yếu tố quyết định việc phát triển, nâng cấp giá trị sản phẩm OCOP. Đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nhìn nhận khách quan sản phẩm của chính mình trong sự tương quan với các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và thậm chí cả quốc tế. Ở tỉnh ta, đa số là các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nguồn vốn và khả năng phát triển, quảng bá sản phẩm hạn hẹp, phụ thuộc nhiều vào cung ứng trong tỉnh... Bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm thì hình thức, mẫu mã của sản phẩm cũng chưa có sự đầu tư. Một sản phẩm dù có chất lượng tốt nhưng hình thức mẫu mã đơn điệu sẽ làm giảm sức hút đối với khách hàng…Có thể thấy, mục tiêu của chương trình OCOP là tổ chức tiêu thụ sản phẩm, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi vùng, mỗi xã, đồng thời giúp người nông dân giải quyết những vấn đề trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo. Tham gia chương trình OCOP là cơ hội để các đơn vị sản xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Để làm được điều đó, rất cần có các giải pháp căn cơ nhằm chuẩn hóa, nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm lên một tầm cao mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.