Ký kết hợp đồng BOT dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm
Ngày 6/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng BOT dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm.
Ngày 6/5, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà đầu tư dự án), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) tổ chức ký kết hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017 và Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018.
Bên cạnh 8 dự án đầu tư công đang triển khai xây dựng, việc ký kết hợp đồng, đầu tư xây dựng dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và tới đây là 2 dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông thông suốt, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải.
Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Sau một thời gian nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án tại Quyết định số 2351/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2018; trong đó, dự án thuộc phạm vi tỉnh Khánh Hòa, có điểm đầu tại Km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) với tổng chiều dài khoảng 50km.
Để phù hợp với nhu cầu vận tải và nguồn lực, dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (rộng nền đường 17m) với vận tốc thiết kế 80km/h. Ngoài ra, trên tuyến còn đầu tư một hầm đường bộ qua núi Dốc Sạn có chiều dài khoảng 700m và một số công trình cầu lớn.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.
Chia sẻ khó khăn trong quá trình chuẩn bị dự án này, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, với việc bám sát tiến độ triển khai theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức sơ tuyển, đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư ngay sau khi đủ điều kiện thực hiện.
Với đặc điểm là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, triển khai theo hình thức PPP phức tạp cả về hình thức quản lý và hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh, quá trình quản lý thực hiện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực… Quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, đàm phán hợp đồng dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật liên quan.
Đó là, quy định về quản lý chất lượng thi công, bảo trì công trình xây dựng; quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đặc biệt là sự ra đời của Luật Đối tác công tư (Luật PPP) và các Nghị định hướng dẫn, đến tháng 12/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành việc đấu thầu và công bố kết quả lựa chọn Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là Nhà đầu tư thực hiện dự án.
Chia sẻ thêm, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án cao tốc Nha Trang Cam Lâm là dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại, được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án.
Dự án triển khai khắc phục các tồn tại của các dự án BOT trước đây như đảm bảo sự lựa chọn cho người sử dụng, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu sẽ làm giảm rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện dự án./.