Ký kết hợp tác giữa Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước và Trường Đại học Y dược Cần Thơ
Ngày 25.4, Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã có buổi ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Y dược Cần Thơ về hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ... trong việc khám, chữa bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, bác sĩ Trần Phước Lộc, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước cho biết, đơn vị vinh dự khi được ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Y dược Cần Thơ về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác thăm khám, điều trị bệnh. Với phương chăm “Sức khỏe của bạn, sứ mệnh của chúng tôi” đây là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình hoạt động của phòng khám.
Đối tượng phục vụ của đơn vị là bệnh nhân nghèo, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nên việc ký kết hợp tác giữa Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước và Trường Đại học Y dược Cần Thơ càng thêm ý nghĩa, nhằm mang những kiến thức mới, công nghệ mới trong công tác khám và điều trị bệnh để phục vụ cho người dân địa phương.

Bác sĩ Trần Phước Lộc, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước rất vinh dự khi được ký kết hợp tác với Trường Đại học Y dược Cần Thơ
Theo bác sĩ Lộc, Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước được thành lập vào tháng 3.2023. Xuyên suốt quá trình hoạt động, trung bình mỗi tháng đơn vị đã thăm khám, điều trị bệnh cho khoảng 18.000 - 20.000 lượt người, chủ yếu là người dân ở huyện Cái Nước và các huyện lân cận thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau - nơi có điều kiện kinh tế, đi lại còn nhiều khó khăn, trở ngại.
“Thấu hiểu điều đó, tập thể, ban lãnh đạo Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước luôn mong muốn, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những đơn vị, cơ quan y tế có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và nhận được sự chuyển giao của các đơn vị y tế tuyến trên. Đặc biệt, bản thân rất vui mừng và mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ của Trường Đại học Y dược Cần Thơ về chuyên môn, nghiệp vụ để đơn vị có điều kiện phục vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con được tốt hơn”, bác sĩ Lộc mong muốn.

Phó giáo sư, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ phát biểu tại lễ ký kết hợp tác
Phó giáo sư, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho hay, Trường Đại học Y dược Cần Thơ là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL, về nhiệm vụ đào tạo thì đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị để thực hiện chuyển giao công nghệ cho các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển và hải đảo. Và huyện Cái Nước (Cà Mau) nằm trong chiến lược hoạt động của trường theo kế hoạch hằng năm. Trước đây, trường cũng đã chuyển giao công nghệ cho các tỉnh vùng biên như An Giang, Tây Ninh... Nhìn chung, Trường Đại học Y dược Cần Thơ sẽ hỗ trợ về mặt đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh...”, ông Lâm nói.
Đồng thời, Phó giáo sư, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Lâm còn cho biết, sau khi ký kết hỏa thuận hợp tác về chuyên môn, nghiệp vụ giữa Trường Đại học Y dược Cần Thơ và các đơn vị liên quan đã gặt hái được nhiều thành tựu hiệu quả.
“Trường có nhiều thế mạnh về đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, kỹ thuật, công nghệ..., thậm chí, chúng tôi có thể tăng cường cán bộ, y bác sĩ của nhà trường đến địa phương để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân. Sau buổi ký kết này, 2 bên sẽ có những trao đổi cụ thể về công việc, nhu cầu của đơn vị, chúng tôi sẽ đáp ứng từng nhu cầu cụ thể nhằm đảm bảo nhiệm vụ chính trị của đôi bên”, ông Lâm cho biết thêm.

Đại diện Trường Đại học Y dược Cần Thơ và Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước ký kết thỏa thuận hợp tác
Việc ký kết hợp tác giữa Phòng khám Đa khoa Y dược Sài Gòn - Cái Nước với Trường Đại học Y dược Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng, nhằm giúp bà con nhân dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở những nơi sâu xa nhất có thêm điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ, những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong khám chữa bệnh ngay tại địa phương. Qua đó, giúp giảm chi phí đi lại mà chất lượng khám chữa bệnh vẫn đảm bảo như các đơn vị tuyến trên.