Kỳ lạ căn bệnh nôn ra... hoa đến chết ở Nhật Bản với nguyên nhân nhiều người đang mắc phải
Yêu đơn phương là cảm giác thích nhưng chẳng dám tỏ bày, đau lòng chỉ một mình chịu đựng, đến cả ghen cũng cảm thấy mình chưa đủ tư cách. Yêu đơn phương là một loại thiệt thòi và cũng là một trong những phương cách ngược đãi cảm xúc của bản thân.
Thế cứ mãi đơn phương một người thì có chết không? Tuy cảm xúc nhiều lần dằn vặt nhưng hiếm khi thấy có ai chết vì yêu đơn phương.
Đời thực là vậy, tuy nhiên, trong sáng tác truyện tranh, âm nhạc, văn học, thơ ca, hội họa ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là Nhật Bản tồn tại một căn bệnh giả tưởng khiến người ta "chết" vì những mối tình đơn phương mang tên “Hanahaki”.
Trong tiếng Nhật, “Hana” có nghĩa là hoa còn "Hakimasu" có nghĩa là nhổ, nôn. Nhiều người cho rằng, căn bệnh này bắt nguồn từ tác phẩm manga Shoujo - Hanahaki Otome - Cô gái nôn ra những cánh hoa của Naoko Matsuda được xuất bản năm 2009.
Triệu chứng bệnh
Thoạt nghe qua, có thể dễ dàng nhận thấy được rằng, “Hanahaki” là một căn bệnh rất hoa mỹ, bởi lẽ khi đau bệnh, người ta còn đủ sức để tơ tưởng đến những bông hoa. Thật vậy, tuy chỉ dừng lại ở mức giả tưởng nhưng căn bệnh này là thứ không phải ai cũng có thể mắc phải, con số ước chừng là 1 trong 1 triệu người.
Không biết người mắc bệnh có phải gồng mình để chống chọi với những đau đớn về mặt thể xác hay không, tuy nhiên, từ lồng ngực người bệnh sẽ sinh ra những bông hoa thanh mỹ, rễ bén sâu và cắm chặt vào hệ hô hấp. Để rồi người bệnh sẽ giải phóng những cánh hoa này bằng cách nhổ hoặc nôn. Tất nhiên là tất cả những "triệu chứng" này cũng chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng hoặc được miêu tả một cách hoa mỹ mà thôi.
Cách chữa trị
Tất nhiên, đã là bệnh thì ắt hẳn sẽ có cách chữa, không ít thì nhiều, không triệt để thì từng phần. Như đã nói ở trên, đơn phương là cảm xúc từ một phía. Vậy muốn chữa trị căn bệnh này, những xúc cảm của bệnh nhân chỉ cần được đáp đền một cách chân thành là đủ.
Và nếu chẳng may tình cảm không được đáp đền thì cũng giống như những loại bệnh thông thường khác, người bệnh cần được phẫu thuật. Sự nở hoa sẽ biến mất và để lại cho bệnh nhân một số tác dụng phụ. Những ký ức về người mà bản thân từng yêu thương cũng theo đó mà bị đánh mất. Tệ hơn, khả năng yêu, khả năng cảm nhận được thứ xúc cảm nồng nhiệt nhất, quý giá nhất trong cuộc đời mỗi con người cũng không còn.
Nếu không được chữa trị kịp thời theo một trong hai phương thức trên, người mắc "Hanahaki" sẽ ngày càng trầm trọng. Khi ấy, cánh hoa sẽ nhuốm máu, sẽ chặn ngang khí quản, rễ sẽ bao phủ toàn bộ hệ hô hấp khiến người bệnh vì thiếu dưỡng khí, vì ho ra máu mà chết…
Đó là những gì diễn ra trong thế giới tưởng tượng của những tác phẩm văn học và âm nhạc, trên thực tế, không ai có thể nôn ra những cánh hoa. Tuy nhiên, cảm giác đau đớn, dằn vặt, khó thở đến siết cạn tâm can là cảm giác không hề lạ lẫm với những ai từng đau đáu trong một quãng thời gian dài gặm nhấm cảm xúc đơn phương một người và chẳng được đáp lại. Tình yêu ấy mà, vốn nhiều biến thể, cũng là sân chơi của muôn màu cảm xúc.