Kỷ luật học đường: Bài toán khó cho học sinh an toàn khi ở trường
Trường hợp nữ sinh N.T.N.Y, học lớp 10 tại Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) được phát hiện ngất xỉu với dòng tin nhắn liên quan đến việc kỷ luật của nhà trường đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, một lần nữa hồi chuông cảnh tỉnh về kỷ luật học đường không đúng mức được dư luận hết sức quan tâm.
Gặp khó, giải quyết ra sao?
Theo số liệu của Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em 111 cung cấp trong tháng 11/2020: Trong số 550 ca tổng đài can thiệp cho trẻ bị bạo lực có 27 trường hợp, chiếm 4,9% là do giáo viên/cán bộ nhà trường gây ra.
Có 0,8% số ca tư vấn chuyên sâu do trẻ em và phụ huynh gọi đến thể hiện sự bức xúc liên quan vấn đề ứng xử không đúng mực và kỷ luật không tích cực của giáo viên, thí dụ như: phạt nghỉ học khi không chép bài; phạt bị bạn tát vào mặt khi nói chuyện trong lớp; khi mắc lỗi sẽ bị la mắng và so sánh với các bạn khiến trẻ xấu hổ; không đi học thêm thì trù dập; nêu tên trước toàn trường...
Thông thường, cách thức giải quyết các cuộc gọi liên quan đến bạo lực ở nhà trường sẽ là, cán bộ Tổng đài 111 khai thác thông tin cần thiết, trấn an tâm lý cho trẻ và gia đình. Tư vấn cho phụ huynh những phương án, hướng dẫn họ các thủ tục pháp lý khi cần thiết. Cán bộ Tổng đài cũng sẽ kết nối đến địa phương để xác minh thông tin và hỗ trợ trẻ trực tiếp nếu cần. Tuy nhiên, chị Lê Thị Thảo - Phó phụ trách Tổng đài 111 cho biết: “Tổng đài 111 chỉ đóng vai trò tiếp nhận và phản ánh sự việc với các bên liên quan, cụ thể ở đây là sở giáo dục và đào tạo địa phương và các trường học. Do đó, rất khó theo đuổi đến cùng những vụ việc được gọi đến, bởi thông thường các trường và địa phương muốn tự giải quyết với gia đình và học sinh; thường xuyên chậm phản hồi tổng đài về kết quả xác minh, giải quyết vụ việc”.
Thực tế này cũng khiến những cán bộ của tổng đài không khỏi đặt ra câu hỏi: Nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề, liệu rằng mặt trái của kỷ luật học đường có khiến những câu chuyện đáng tiếc như của nữ sinh nói trên có nguy cơ xảy ra hay không?
Trẻ đến trường phải được an toàn và bảo vệ
Hiện nay, trong các trường phổ thông vẫn đang áp dụng việc hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011 và Thông tư số 08/TT của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Riêng Thông tư 08, hướng dẫn về việc khen thưởng và kỷ luật học sinh đã được ban hành cách đây 32 năm, hiện nay đã lỗi thời. Có khá nhiều điểm đã không còn phù hợp với thực tiễn quản lý, giáo dục học sinh, dẫn đến tình trạng nhiều trường học áp dụng để xử lý học sinh vi phạm một cách cứng nhắc gây khá nhiều bất bình cho xã hội.
Mặt khác, từ tháng 12/2018, Bộ GD&ÐT đã ban hành Thông tư Hướng dẫn công tác xã hội học đường. Theo thông tư này, giáo viên sẽ phụ trách thêm lĩnh vực công tác xã hội. Tuy nhiên, điều này gây ra nhiều bất cập bởi giáo viên không có chuyên môn về công tác xã hội, học sinh không tự tin chia sẻ nếu có vấn đề với giáo viên, từ đó ảnh hưởng tới tính thực chất của công tác này. Nếu như có được đội ngũ nhân viên công tác xã hội, hoặc cán bộ tâm lý học chuyên biệt tại các trường sẽ giúp các hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng chống trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em, cũng như bảo đảm quyền tham gia của trẻ em đi vào thực chất và chuyên nghiệp. Thêm nữa, ngoài những kiến thức tâm lý cần thiết, đội ngũ này cần có chuyên môn về trẻ có khó khăn đặc biệt, nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của trẻ khi học hòa nhập tại các trường công lập.
Không chỉ có nhiệm vụ lắng nghe học sinh, bộ phận công tác xã hội học đường còn là đơn vị kết nối giáo viên, gia đình và học sinh. Có nhiệm vụ tập huấn về kỷ luật tích cực cho giáo viên, tuyên truyền về bình đẳng giới, loại bỏ phân biệt đối xử và định kiến trong nhà trường, xây dựng các mô hình trường học an toàn, trường học hạnh phúc, không có bạo lực và xâm hại trẻ em. Tạo sự phối hợp chặt chẽ, có chung cách tiếp cận trong việc giáo dục bằng yêu thương, có thỏa thuận cam kết giữa gia đình - nhà trường - cộng đồng để chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần, tạo môi trường an toàn cho trẻ được lên tiếng về quyền của mình.