Kỷ luật lập pháp và trách nhiệm của người đứng đầu
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV tổ chức mới đây.
Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đòi hỏi hệ thống chính sách pháp luật phải bảo đảm được tính thống nhất, chặt chẽ. Các quy định pháp luật chặt chẽ nhưng không được làm khó người dân, doanh nghiệp bởi những quy định “một cửa nhiều khóa”, không được đánh đồng quy định chặt chẽ bởi các quy định mang tính “giấy phép con” nhằm hợp lý hóa lợi ích nhóm trong các quy định. Đây là yêu cầu xuyên suốt được đặt ra từ khâu đề xuất chính sách đến ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của người đứng đầu khi trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.
Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
Thực hiện yêu cầu này, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực. Một số bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, kịp thời điều chỉnh các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra.
Việc bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật cho thấy người đứng đầu đã quan tâm sát sao hơn trong công tác xây dựng pháp luật. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tiếc rằng, đến nay mới chỉ có 8 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Đây là điều cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong một số trường hợp chưa nghiêm. Điều đáng nói là việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại trong thời gian dài chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng này có nguyên nhân từ việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản còn chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Khi mà người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, khi mà việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản còn chưa kịp thời thì tình trạng chậm tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nợ đọng văn bản hướng dẫn luật, nghị quyết của Quốc hội là điều rất dễ xảy ra.
Để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 vừa qua của Chính phủ đã nêu rõ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng chịu trách nhiệm chung chung và có chế tài đủ mạnh, cần hoàn thiện sớm cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, là xử lý nghiêm minh việc chậm triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Có như vậy, mới thực hiện được yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”.