Kỷ lục tăng trưởng tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, dư nợ cho vay của các ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên vượt 4 triệu tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, tăng 12,78% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng (số liệu thực tế) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 4,046 triệu tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm 2024 và tăng 12,78% so với cùng kỳ.

Xét về quy mô, đây cũng là lần đầu tiên, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước: cùng kỳ năm 2024 tăng 1,31%; năm 2023 tăng 1,72%.

Tổng dư nợ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước

Tổng dư nợ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước

"Các yếu tố thuận lợi từ môi trường kinh tế-xã hội và cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố chính tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm" ông Lệnh cho biết.

Đáng chú ý, tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục bám sát thực hiện các chỉ đạo về chính sách tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng tốc độ giải ngân các gói tín dụng ưu đãi lãi suất và giải ngân gói tín dụng trong Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của thành phố... trị giá hơn 517.000 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng đăng ký đầu năm nay.

Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (đóng góp trên 60% GRDP của thành phố) như: thương mại, du lịch; truyền thông; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục; tài chính; nghệ thuật vui chơi giải trí… đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 35,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho rằng, trong quá trình này, tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Yếu tố này được duy trì, sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

"Để hỗ trợ tăng trưởng, ngành ngân hàng thành phố cam kết đáp nhu cầu vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu", ông Lệnh nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ky-luc-tang-truong-tin-dung-tai-tp-ho-chi-minh-1106795.html