ĐBQH: 'Tuyển dụng theo hình thức người tài đếm trên đầu ngón tay'
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, thu hút người tài để tuyển dụng, làm việc cho Nhà nước nhưng việc tuyển dụng theo hình thức người tài 'đếm trên đầu ngón tay'.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tham gia ý kiến về chính sách phát hiện và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chế độ, chính sách ưu đãi vượt trội cho đối tượng này là hết sức cần thiết, ông Hòa nhấn mạnh: “Dù họ mới được tuyển vào nhưng có thể được hưởng lương gấp đôi, gấp ba so với người đang làm việc, chưa kể các chế độ khác. Đó mới là thu hút nhân tài”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). (Ảnh: Media Quốc hội)
Song, ĐBQH đoàn Đồng Tháp chỉ ra cần làm rõ thế nào là người tài. Dù nay đã có định nghĩa, đánh giá nhưng vẫn cần có tiêu chí cụ thể, rành mạch để dễ áp dụng, không tuyển nhầm.
“Thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, thu hút người tài để tuyển dụng, làm việc cho Nhà nước nhưng việc tuyển dụng theo hình thức người tài đếm trên đầu ngón tay", ông Hòa nói.
Cũng góp ý cho nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), cho rằng, muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương mà điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến.
Đại biểu nhất trí cao việc sửa đổi, nhấn mạnh vào "chính sách đặc biệt" để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận rõ tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù. Không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.
"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công", bà Nga nói.
Do đó, bà Nga cho rằng muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.
Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cũng kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt như: Thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, không chỉ dựa vào hình thức, quy trình.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). (Ảnh: Media Quốc hội)
Cùng với đó, cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới.
Đồng thời, trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.
"Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ, thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng", bà Nga nêu.
Bên cạnh đó, bà cũng dẫn chứng một số kinh nghiệm quốc tế để tham khảo. Như tại Singapore, người có tài năng trong khu vực công được tuyển chọn từ rất sớm, đưa vào các chương trình đào tạo chuyên sâu, có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng.
Đặc biệt là được giao nhiệm vụ lớn để rèn luyện và chứng minh năng lực. Ở Pháp hay Nhật Bản, hệ thống công vụ cho phép phát hiện và thăng tiến người giỏi từ cấp cơ sở, đi kèm với chính sách đãi ngộ theo vị trí và kết quả công tác, không cào bằng theo thâm niên.