Kỹ lưỡng, thận trọng, lựa chọn phương án tốt nhất

Hôm nay, Quốc hội đã dành một ngày thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với tầm quan trọng của đạo luật này, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, tranh luận về 16 nội dung còn có nhiều phương án khác nhau. Dù lựa chọn phương án nào, theo các đại biểu Quốc hội, cũng đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Loại trừ một số quyền gắn với tài sản trên đất thuê của đơn vị sự nghiệp công lập

Một trong 16 nội dung còn có ý kiến khác nhau được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội là quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm. Tại Kỳ họp thứ Năm, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị quy định các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp cận về thuê đất thì không được bán, không được thế chấp và các hoạt động hợp tác kinh doanh không kéo dài để bảo đảm quỹ đất của Nhà nước. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu đã loại trừ quyền của đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc bán, góp vốn bằng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.

Có thể thấy, so với luật hiện hành thì quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã trao thêm quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó, không phải tiến hành quy trình, thủ tục phức tạp, khó hoàn thành như hiện nay. Đồng thời, các đơn vị này cũng được phép chủ động khai thác, sử dụng kết hợp vào mục đích khác theo phương án được cơ quan chủ quản phê duyệt theo quy định của pháp luật; tiến hành liên doanh, liên kết với tổ chức kinh tế thì phải có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Như vậy, những quy định tại dự thảo Luật lần này đã tạo cơ chế cho đơn vị sự nghiệp công lập khai thác hiệu quả hơn phần đất mà họ đang quản lý, tránh được việc lãng phí trong sử dụng đất đai, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần tháo gỡ, san sẻ những khó khăn trong việc tự chủ tài chính của mỗi đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tán thành với phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu về việc loại trừ quyền của đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc bán, góp vốn bằng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, không nên trao đầy đủ quyền cho các đơn vị sự nghiệp công lập như các tổ chức kinh tế bởi so với tổ chức kinh tế thì đơn vị sự nghiệp công lập có những chức năng, nhiệm vụ đặc thù.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu rõ, xuất phát từ đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan của Nhà nước nên việc tiếp cận các quỹ đất của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế. Vì vậy, nếu đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất hàng năm cũng được trao quyền đầy đủ như tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp. Nếu trao quyền bán quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hàng năm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, không bảo toàn đất Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, trong khi việc tách bạch giữa sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là rất khó khăn.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Giảm rủi ro, bảo toàn đất Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập

Đối với tài sản gắn liền với đất, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra hai phương án xin ý kiến của Quốc hội. Theo đó, Phương án 1: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Phương án 2: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Tán thành với phương án 1, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, nếu đối chiếu với quy định về quyền, nghĩa vụ được làm, thì đơn vị sự nghiệp công lập vẫn được chủ động, có cơ chế tận dụng quỹ đất để đang quản lý, sử dụng gia tăng nguồn thu cho đơn vị. Do đó, quy định theo phương án này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật dân sự, vì theo quy định hiện hành, tài sản trên đất bị tịch thu, kê biên đương nhiên cũng bị xử lý cùng lúc. Ngoài ra, “quy định này hạn chế việc thất thoát tài sản của nhà nước, đặc biệt trường hợp cố ý tạo lập tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước, đem thế chấp hoặc thực hiện quan hệ dân sự khác”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng cho rằng, quy định theo phương án 1 sẽ phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc loại trừ quyền bán, quyền thế chấp, quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê của đơn vị sự nghiệp sử dụng đất thuê, trả tiền thuê đất hàng năm sẽ bảo toàn được đất nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Một số ĐBQH cho rằng, nếu áp dụng phương án 2 theo hướng trao quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất hàng năm được quyền bán quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập, thì khi Luật này được thông qua cũng sẽ không khả thi. Bởi, trước tiên là tâm lý e ngại của các tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp tài sản gắn liền với đất của các đơn vị sự nghiệp công lập do chưa có quy định, quy trình rõ ràng về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này. Mặt khác, quy định như vậy cũng sẽ khó tìm được bên mua tài sản, vì tài sản này được xử lý đồng bộ với đất nên sẽ bắt buộc bên mua phải sử dụng đúng mục đích sử dụng đất ban đầu. Cùng với đó, “việc phân tách giữa nguồn lực tạo ra tài sản làm từ nguồn ngân sách hỗ trợ hay từ nguồn tự chủ của đơn vị sự nghiệp sẽ dễ phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Với tính chất quan trọng của Luật Đất đai, dù một số nội dung lớn trong dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn còn ý kiến khác nhau, song các đại biểu Quốc hội đều thống nhất, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất, dù phương án nào được lựa chọn cũng đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/ky-luong-than-trong-lua-chon-phuong-an-tot-nhat-i348697/