Kỹ năng quan trọng cần sớm trang bị cho trẻ

Ở một số khía cạnh, nó thậm chí còn quan trọng hơn cả năng lực và trình độ học vấn.

Ảnh minh họa

Kỹ năng giao tiếp là khả năng trao đổi thông tin, lắng nghe, phản hồi, ứng xử… giữa người nói và người nghe nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Giao tiếp không chỉ là nghe và nói mà còn là một nghệ thuật. Kỹ năng giao tiếp tốt giúp đảm bảo thông tin được truyền đạt rõ ràng, giảm bớt xung đột và tạo ra bầu không khí hài hòa trong nhiều tình huống.

Trong thời đại hợp tác đôi bên cùng có lợi này, khả năng giao tiếp của trẻ không chỉ ảnh hưởng đến tính cách mà còn cả tương lai. Ở một số khía cạnh, nó thậm chí còn quan trọng hơn cả năng lực và trình độ học vấn. Những đứa trẻ có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ có đường đời rộng mở hơn sau này.

Đặc biệt là hiện nay có nhiều trẻ em được bảo vệ, bao bọc quá mức nên ít nhiều có tính ích kỷ và cố chấp, đây là điều tối kỵ trong giao tiếp giữa các cá nhân. Trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, yếu tố cơ bản nhất là tôn trọng và lịch sự, nhưng nhiều trẻ em không có hai khả năng này.

Chất lượng của mối quan hệ giữa các cá nhân "che giấu" tương lai của đứa trẻ. Về giao tiếp, những bí mật nhỏ này nên được cha mẹ dạy cho trẻ từ sớm:

1. Nhớ nói "cảm ơn"

Chỉ cần nhận sự giúp đỡ từ người khác, kể cả cha mẹ hay người thân trong gia đình, con cũng phải chân thành nói lời "cảm ơn", đây là phép lịch sự và giáo dục cơ bản nhất. Câu nói "cảm ơn" tưởng chừng đơn giản và bình thường này lại thể hiện rất tốt lòng biết ơn của đứa trẻ, đồng thời cũng khiến đối phương thêm tôn trọng, yêu mến.

Những đứa trẻ biết ơn sẽ có khả năng đồng cảm tốt hơn.

2. Học cách xin lỗi

Bạn bè tốt đến đâu cũng không thể xuề xòa, nếu gây phiền phức cho người khác thì nhất định phải nhớ nói lời xin lỗi. Có thể một hai lần người ta sẽ không quan tâm và sẽ bao biện cho con, nhưng nếu làm điều đó quá thường xuyên mà không biết cách xin lỗi, người khác sẽ cảm thấy khó chịu.

"Con xin lỗi" chỉ vỏn vẹn 3 từ, nhưng nhiều đứa trẻ lại quên nói, và coi đó như một lẽ đương nhiên. Cha mẹ nên nhắc nhở con nhiều hơn, nếu không, trong tương lai con sẽ hình thành tính cách ích kỷ.

3. Không bình luận, bình phẩm về chuyện/ngoại hình của người khác

Người lớn đôi khi biết kiềm chế bản thân nhưng trẻ con thì không làm được, khi gặp chuyện vui thường không kiềm chế được cái miệng của mình. Trẻ thích đặt cho người khác những biệt danh ngẫu nhiên, tuy mang tính chất vui vẻ nhưng thực sự khiến người khác tổn thương.

Tất nhiên, cha mẹ cũng phải làm gương tốt và không thể hiện những ảnh hưởng tiêu cực trước mặt con cái. Dạy con, tốt xấu của người khác không liên quan gì đến mình.

4. Đừng làm gián đoạn cuộc trò chuyện

Nếu không cần thiết, các bố mẹ nhớ dặn con: Không được tùy tiện cắt ngang cuộc nói chuyện của người khác, đây là phép lịch sự cơ bản nhất. Có thể nhiều phụ huynh nghĩ bây giờ đứa trẻ còn nhỏ không hiểu, nhưng một khi đã thành thói quen, nhất định sẽ gây ra vô số phiền toái. Nếu cha mẹ không ngăn cản, trẻ có thể ngắt lời cả giáo viên trong giờ học.

5. Học cách lắng nghe

Trong cuộc sống, nên dạy trẻ biết lắng nghe, chỉ có như vậy trẻ mới hòa nhập tốt hơn vào các hoạt động tập thể. Đặc biệt với những đứa trẻ sống nội tâm, chúng cần học cách lắng nghe để giao tiếp tốt hơn.

Đồng thời cũng cần dạy trẻ biết giữ vững lập trường, giữ vững suy nghĩ và thái độ của bản thân, không hùa theo đám đông. Khi gặp chuyện, có thể thảo luận và giao tiếp với bạn bè của mình tuy nhiên cũng đừng sai mà cố chấp.

Bạn nên đưa con ra ngoài đi dạo nhiều hơn để tầm nhìn của con được cải thiện chứ không bị giới hạn trong bốn bức tường nhà. Chỉ khi nhìn thấy nhiều người và nhiều thứ hơn, kiến thức của trẻ mới có thể mở rộng và sẽ bớt rụt rè.

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ky-nang-quan-trong-can-som-trang-bi-cho-tre-20230326120009763.htm