Kỹ năng rèn luyện giúp con tự tin
Sự tự tin, khả năng giao tiếp là những kỹ năng quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, chúng không tự sinh ra mà cần quá trình học tập và rèn luyện.
Bồi đắp cả kỹ năng và ngoại hình
Tự tin là đức tính có được sau quá trình rèn luyện, dưới sự tác động của nhiều yếu tố. Rèn luyện sự tự tin cho con cần có thời gian, sự kiên trì và cả tính nhất quán. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, sở hữu tính cách và những ưu điểm khác nhau.
Nếu trẻ có tính cách nhút nhát, cha mẹ nên kiên nhẫn, quan sát, trò chuyện, lắng nghe để hiểu rõ con. Từ đó, giúp con rèn luyện sự tự tin.
Theo cô Nguyễn Thu Hoài - Trường Tiểu học Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), muốn giúp con tự tin trong cuộc sống, cha mẹ cần bồi đắp kỹ năng sống và ngoại hình cho con. Vẻ ngoài chỉn chu là một trong những yếu tố đem lại sự tự tin. Nhiều người cho rằng con còn nhỏ, quần áo tùy tiện thế nào cũng được. Tuy nhiên, có những thói quen cần phải hình thành từ bé.
Người lớn nên hướng dẫn trẻ cách ăn mặc gọn gàng, hợp hoàn cảnh. Điều đó sẽ là tiền đề cho sự gọn gàng, ngăn nắp, chăm chút bản thân sau này. Cha mẹ khích lệ con quan tâm đến ngoại hình không đồng nghĩa với việc ăn diện hay đầu tư quần áo đắt tiền.
Người lớn chỉ cần giúp bé biết cách mặc quần áo tươm tất, sạch sẽ, lựa chọn trang phục phù hợp mỗi khi ra ngoài. Khi được diện những bộ cánh ưng ý, trẻ sẽ thấy hài lòng và tự tin vào bản thân.
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên so sánh con. Thực tế, nhiều cha mẹ có thói quen so sánh con với những đứa trẻ khác. Mục đích là để bé thấy xấu hổ mà biết cố gắng hơn. Sự thật là cách làm này chỉ càng làm cho bé thêm tự ti.
Bởi khi bị so sánh, trẻ mặc định mình là người kém cỏi, không có khả năng bằng người khác. Chính suy nghĩ này sẽ khiến trẻ càng thu mình vào vỏ ốc, không muốn và không dám làm bất cứ điều gì. Ví dụ, khi bạn nói: “Con không học tiếng Anh giỏi bằng bạn A” thì trẻ sẽ nghĩ là mình không có khả năng.
Không chỉ về sự thua kém, mà cha mẹ cũng không nên so sánh về sự giỏi giang của trẻ. Việc nhấn mạnh rằng trẻ giỏi hơn bạn A, bạn B nào đó nếu không khéo sẽ gieo cho trẻ sự kiêu ngạo. Hơn nữa, bản chất của việc tiến bộ chỉ nên đơn giản là so sánh với bản thân mình. Trẻ không cần phải cố gắng để “giỏi hơn” người nào cả.
Một trong những cách rèn luyện sự tự tin cho học sinh tiểu học đó là lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con.
Cùng với việc lắng nghe, hãy để con được chủ động trong một số việc. Trước mỗi vấn đề của con, hãy hỏi ý kiến và tập cho con tự đưa ra quyết định. Thông thường, trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đã có thể tự đưa ra lựa chọn trong một số vấn đề liên quan đến cá nhân. Ví dụ khi mua quần áo cho trẻ, bạn hãy hỏi con thích cái nào? Muốn chọn cái nào? Khi đi ăn, hãy để trẻ tự quyết định món ăn của mình.
Không chỉ trích những thất bại
Cô Nguyễn Thu Hoài cho biết, một trong những biểu hiện của sự thiếu tự tin đó là trẻ thường ngại ngùng, không dám khám phá, thử những điều mới. Trẻ sợ bị đánh giá, thất bại nên luôn chọn phương án an toàn. Điều này khiến chúng bị bó buộc, hạn chế trong học hỏi, thử thách giới hạn bản thân. Vì vậy, cần cổ vũ, động viên con mỗi khi tiếp xúc với những trải nghiệm mới. Bạn có thể cho con đến những khu vui chơi mới, tiếp xúc các hoạt động ngoại khóa mà trước đây con chưa thử.
Trong quá trình khôn lớn, trẻ không tránh khỏi những lỗi sai, thất bại. Điều cha mẹ cần làm là cùng con khắc phục hậu quả. Phụ huynh nên hạn chế chỉ trích, xoáy sâu vào thất bại đó. Hãy bao dung với những lỗi sai của con. Sự chỉ trích thường khiến con cảm thấy khó chịu, từ đó sinh ra tâm lý phản kháng, đổ lỗi. Lâu dần, con sẽ sợ làm sai, ngại va chạm, không tự tin vào bản thân. Đặc biệt, khi nói về lỗi sai của trẻ, cha mẹ lưu ý, chỉ nói về hành vi, không nên phóng đại thành tính cách.
Để giúp trẻ tự tin trước đám đông, không nên chê trách trẻ trước nhiều người. Việc la mắng, phủ định trẻ nơi đông người là cách nhanh nhất để vùi dập sự tự tin của con. Trẻ bị quát mắng trước mặt nhiều người sẽ cảm thấy xấu hổ, thậm chí thấy bị xúc phạm.
Việc đem sai lầm của trẻ phơi bày trước đám đông là một việc làm không nên. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần trao đi những lời khen ngợi khi con làm tốt. Ai cũng thích được khen và trẻ con cũng vậy. Khen ngợi đúng cách sẽ giúp nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ.
“Cha mẹ nên dành lời khen về cách mà con mình thực hiện hơn là chỉ khen về thành quả. Lời khen càng chi tiết, càng chân thực càng tốt. Lời khen không nên chung chung, sáo rỗng như: ‘Con giỏi quá’, ‘Con là nhất’. Ví dụ, nếu bé tô được một bức tranh đẹp, bạn hãy khen rằng bé đã chọn những màu sắc rất hài hòa, bé đã chăm chỉ và cố gắng không bỏ cuộc để hoàn thành bức tranh”, cô Hoài gợi ý.
Cũng theo cô Hoài, thông qua luyện tập các môn thể thao như đá bóng, bóng rổ, bơi, đi xe đạp, võ thuật… trẻ sẽ luôn được tạo cơ hội đối diện với các thử thách, quyết tâm nâng cao khả năng thi đấu để đạt được mục tiêu. Từ đó, trẻ phát hiện ra năng lực, thế mạnh của bản thân, biết chấp nhận và tìm cách cải thiện những điểm yếu.
Ngoài ra, khi sở hữu năng lực thể chất vượt trội, trẻ cũng sẽ mạnh dạn tham gia mọi hoạt động vận động, vui chơi hay thi đấu. Vì vậy, khuyến khích trẻ hoạt động thể thao là cách hữu ích để trang bị sự tự tin, mạnh dạn cho trẻ.
Cô Nguyễn Thu Hoài nhấn mạnh, câu cửa miệng của nhiều người lớn thường là “Trẻ con thì biết gì!”. Thực chất, trẻ có thể hiểu nhiều hơn chúng ta tưởng. Trẻ cũng có nhu cầu được nói lên ý kiến, được lắng nghe. Cha mẹ đừng nghĩ trẻ không biết gì mà phớt lờ hoặc bỏ qua mọi lời nói của con.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-nang-ren-luyen-giup-con-tu-tin-post695320.html