Kỹ năng thực hiện kiểm sát thi hành án hành chính đối với cơ quan Tòa án

Tại Hướng dẫn số 07/HD-VKSTC vừa được VKSND tối cao (Vụ 11) ban hành đã hướng dẫn kỹ năng thực hiện kiểm sát thi hành án hành chính (THAHC) đối với cơ quan Tòa án.

Cụ thể, trong kiểm sát việc cấp, chuyển giao bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, thứ nhất, khi kiểm sát việc cấp, chuyển giao quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Kiểm sát viên cần làm rõ các chủ thể được cấp, chuyển giao quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án; làm rõ thời điểm Tòa án ra quyết định và ngày đương sự, VKSND, Cơ quan thi hành án dân sự (THADS) cùng cấp nhận được quyết định đó. Trên cơ sở đó, đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) để xác định vi phạm của Tòa án về việc cấp, chuyển giao và thời hạn cấp, chuyển giao đối với quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thứ hai, khi kiểm sát việc Tòa án cấp, gửi bản án về vụ án hành chính, Kiểm sát viên cần xác định cụ thể đối tượng được Tòa án cấp, gửi bản án và thời hạn cấp, gửi bản án theo quy định tại khoản 3 Điều 196, khoản 1 Điều 244 Luật TTHC. Theo đó, đối tượng được cấp, gửi bản án bao gồm: Đương sự, VKSND cùng cấp, Cơ quan THADS cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện trong vụ án hành chính.

Kiểm sát viên làm rõ thời điểm kết thúc quyền kháng cáo của đương sự, quyền kháng nghị của VKSND để xác định thời điểm bản án hành chính sơ thẩm có hiệu lực pháp luật; nắm rõ ngày Tòa án ra bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính phúc thẩm; so sánh với ngày nhận được bản án để kết luận vi phạm của Tòa án trong việc cấp, gửi bản án hành chính.

 Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với vụ án hành chính. (Ảnh minh họa)

Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với vụ án hành chính. (Ảnh minh họa)

Thứ ba, đối với việc gửi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính. Theo quy định tại Điều 279 và Điều 286 Luật TTHC, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, việc Tòa án gửi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính kịp thời sẽ đảm bảo việc THAHC trên thực tế, đặc biệt đối với trường hợp việc thi hành các bản án, quyết định đó đang bị tạm đình chỉ khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để đợi kết quả giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Khi kiểm sát việc gửi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án gửi quyết định cho đúng đối tượng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, cũng như việc gửi cho các chủ thể liên quan đến việc THAHC.

Khi phát hiện vi phạm trong việc cấp, gửi bản án, quyết định hành chính để thi hành án; việc giao, nhận bản án, quyết định của Tòa án, Cơ quan THADS và các chủ thể khác về bản án, quyết định hành chính, VKSND có quyền kiến nghị với Tòa án đã ban hành bản án, quyết định thực hiện việc cấp, gửi bản án, quyết định theo quy định của pháp luật.

Trong kiểm sát việc ra quyết định buộc THAHC của Tòa án: Khi kiểm sát việc ra quyết định buộc THAHC, Kiểm sát viên cần kiểm sát các nội dung: thời hiệu yêu cầu thi hành án; thời hạn ra quyết định buộc THAHC; nội dung quyết định buộc THAHC theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 312 Luật TTHC … nhằm đảm bảo việc ra quyết định buộc THAHC của Tòa án được kịp thời, có căn cứ pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 312 Luật TTHC và Điều 11 Nghị định 71, người có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc THAHC là người được thi hành án; thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền yêu cầu là hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải THAHC không tự nguyện thi hành. Người được thi hành án có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc THAHC bằng hình thức trực tiếp nộp đơn, trình bày bằng lời nói, gửi đơn theo dịch vụ bưu chính hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Thời hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án. Do vậy, Kiểm sát viên cần xác định ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, đối chiếu với ngày Tòa án ban hành quyết định buộc THAHC để kết luận có vi phạm thời hạn ra quyết định hay không.

Trường hợp Tòa án ra quyết định buộc THAHC quá hạn thì tùy vào tính chất, mức độ mà Viện kiểm sát ban hành văn bản yêu cầu hoặc kiến nghị với người có thẩm quyền cấp trên trực tiếp xem xét đôn đốc, xử lý theo quy định của pháp luật.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/ky-nang-thuc-hien-kiem-sat-thi-hanh-an-hanh-chinh-doi-voi-co-quan-toa-an-177108.html