Kỹ nghệ làm đồ giả cổ qua câu chuyện về bức tượng Alexander Đại đế

Vào tháng 5-2023, Bộ Văn hóa Hy Lạp vui mừng trước sự trở về của các hiện vật cổ sau thời gian lưu lạc, trong đó có một tác phẩm điêu khắc bằng đồng về Nhà vua Alexander Đại đế. Nhưng câu hỏi đặt ra, nó có phải là hàng thật hay không?

Bức tượng đồng Alexander Đại đế vừa được trả lại cho Hy Lạp sau nhiều năm lưu lạc nhưng bị nghi ngờ liệu có phải là cổ vật hay không

Bức tượng đồng Alexander Đại đế vừa được trả lại cho Hy Lạp sau nhiều năm lưu lạc nhưng bị nghi ngờ liệu có phải là cổ vật hay không

Ông Stephan Lehmann lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm điêu khắc bằng đồng về Alexander Đại đế tại Bảo tàng Winckelmann ở thị trấn nhỏ Stendal thuộc bang Saxony-Anhalt của Đức vào năm 2000. Nhà khảo cổ học, hiện đã nghỉ hưu, lúc đó là Giáo sư tại trường đại học ở Hallen của Đức cảm thấy tò mò về món cổ vật có tình trạng bảo quản rất tốt này. Người ta nói rằng, bức tượng nhà vua Hy Lạp cổ đại được một nhà sưu tập tư nhân cho mượn. “Quan sát kỹ, tôi cho đây là đồ giả một cách trắng trợn. Nếu nói đây là bản gốc thì không thể chấp nhận được”, ông nói.

Nhà vua Alexander III của Macedon (sinh khoảng năm 356 TCN), thường được gọi là Alexander Đại đế. Vị Hoàng đế nổi tiếng với những chiến dịch quân sự chinh phục khắp Tây Á và Ai Cập. Ở tuổi 30, ông đã tạo ra một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử, trải dài từ Hy Lạp đến Ấn Độ. Giáo sư Lehmann đã tìm kiếm thông tin về xuất xứ bức tượng trong danh mục bảo tàng nhưng không có kết quả. Ông Stephan Lehmann hỏi thẳng bảo tàng trưng bày nhưng không nhận được câu trả lời. Ông đề nghị không nên trưng bày bức tượng bán thân đó nếu không có bằng chứng về nguồn gốc.

Ông Lehmann tự đặt cho mình trách nhiệm phải nêu danh những tác phẩm đáng ngờ, bởi lo ngại rằng, chúng có thể được đưa vào danh mục bảo tàng và do đó được hợp pháp hóa về mặt học thuật. Năm 2015, ông đã lập danh mục 36 tác phẩm nghệ thuật cổ mà ông tin là giả, trong đó có bức tượng đồng của Alexander Đại đế, món đồ đã bị đánh cắp ngay sau triển lãm.

Để phát hiện ra một món đồ giả, giới chuyên gia như ông Lehmann cần có hàng thập kỷ kinh nghiệm, kiến thức và cả trực giác. Những kỹ năng đó đã giúp ích cho ông Lehmann khi một nhà sưu tập người Thụy Sĩ gửi cho ông bức tượng bán thân Hoàng đế Augustus để kiểm tra. Giáo sư Lehmann đã quét tác phẩm điêu khắc bằng chụp cắt lớp vi tính. Theo giả định, những kẻ làm giả nấu chảy những đồng xu cổ để tạo ra tác phẩm mới. Về mặt lý thuyết, đó là sự đánh lừa hoàn hảo vì vật liệu này thực sự đã 2.000 năm tuổi. Nhưng một số tiêu chí, chẳng hạn như mức độ ăn mòn, không phù hợp, vì vậy có thể chứng minh rằng món đồ đó đã được đúc gần đây.

Ông Lehmann nghi ngờ bức tượng bán thân này là từ xưởng làm hàng giả của một bậc thầy người Tây Ban Nha. Đó là nhân vật không ai biết danh tính, thường tạo ra tượng bán thân của những Hoàng đế cổ xưa, khuôn mặt rất có hồn và trang trí bên ngoài bằng một lớp gỉ tuyệt đẹp. “Xét về giá trị của các cổ vật, các bức tượng đồng nằm trong hạng mục cao cấp. Chúng rất đặc biệt và tất nhiên là thu hút nhiều nhất. Bất cứ vật phẩm loại này xuất hiện, sẽ không thiếu người muốn mua”, Giáo sư Lehmann nhận định.

Trở lại với bức tượng bán thân bằng đồng của Alexander Đại đế vừa được trả lại cho Hy Lạp hồi tháng 5, nó có nguồn gốc từ phòng trưng bày của Robin Symes, một nhân vật chủ chốt trong thị trường buôn lậu cổ vật quốc tế nhưng đã bỏ trốn. Công ty của ông ta ở Mỹ bị giải thể và các hiện vật đã được trả dần về cho các quốc gia. Ông Stephan Lehmann biết về việc này khi một đồng nghiệp người Hy Lạp gửi cho ông một mẩu báo có kèm ảnh. “Tôi nhìn thấy một cái hộp, bên trong là bức tượng Alexander trưng bày ở Stendal. Văn bản kèm theo cho biết đó là một tác phẩm của nhà sưu tầm Robin Symes ở Geneva...”, nhà khảo cổ học kể lại.

Ông Lehmann vẫn coi đó là món đồ giả cổ nhưng rất vui vì ít nhất nó đã được tìm thấy. Trước kia ông dự đoán, nó có thể nằm trong phòng khách của một tỷ phú hoặc có thể đã bị nấu chảy. “Nhưng để trở thành hiện vật chuyển giao mang tầm Nhà nước, điều đó thật ngoạn mục”, ông nghĩ. Nhà khảo cổ học cho rằng, bản thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hy Lạp có bằng Tiến sĩ khảo cổ học nên Nhà nước Hy Lạp phải điều tra bằng được nguồn gốc của hiện vật này. Nếu là đồ cổ thật, trị giá bức tượng lên tới hàng triệu euro, hoặc nó chỉ đáng giá 100 euro nếu tính về giá trị vật liệu.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-nghe-lam-do-gia-co-qua-cau-chuyen-ve-buc-tuong-alexander-dai-de-post549833.antd