'Kỷ nguyên' mới trong thu hút FDI
Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thu hút 30,5 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 365 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thu hút FDI giai đoạn vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc và hạn chế. Chính vì vậy, ngày 20-8-2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW được kỳ vọng là sẽ mở ra một 'kỷ nguyên' mới, giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Trong đó, Đồng Nai - một trong những địa phương đón nhận dòng vốn FDI sớm nhất và hiện tại vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về số lượng dự án FDI, dự kiến cũng sẽ là một trong những địa phương dẫn đầu trong xu hướng đổi mới dòng vốn FDI theo hướng nâng chất, nâng tầm, kết hợp với xu hướng “xanh hóa” sản xuất.
Bài 1: "Được" và "mất" khi đón nhận dòng vốn FDI
Từ năm 1989, Đồng Nai đã bắt đầu đón dòng vốn FDI vào tỉnh. Trải qua hơn 3 thập niên, đầu tư FDI đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong thu hút FDI, cũng khó tránh khỏi những hạn chế như: nhiều dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm hụt lao động còn lớn, gây ô nhiễm môi trường, sự liên kết, tương tác với các nền kinh tế khác còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp...
Theo UBND tỉnh, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai đã giải quyết việc làm cho hơn 600 ngàn người lao động trong và ngoài tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh xếp thứ 4 cả nước, tăng 7-12%/năm. Đồng Nai trở thành “cái nôi” sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
* Cú hích mạnh mẽ từ dòng vốn ngoại
Đến nay, tỉnh đã thu hút được gần 1.500 dự án vẫn còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 30 tỷ USD và tỷ lệ giải ngân khoảng 70% vốn đăng ký. Thu hút FDI nhiều nên Đồng Nai giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động, bao gồm cả người lao động trên địa bàn tỉnh và người lao động đến từ các địa phương khác trong cả nước. Có việc làm ổn định trong các công ty, thu nhập và đời sống của người dân được đảm bảo.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, đến nay Việt Nam thu hút vốn FDI đạt 355 tỷ USD với gần 30 ngàn dự án. Năm 2018, doanh nghiệp Fdi đóng góp 20% trong thu ngân sách của cả nước. FDI giải quyết việc làm cho 4 triệu lao động trên cả nước. Vốn FDI của Đồng Nai chiếm gần 10% cả nước.
Bên cạnh đó, FDI còn giúp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm tăng cao, đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước. Đơn cử như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 19,7 tỷ USD, trong đó hơn 80% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp FDI. Thu ngân sách của Đồng Nai năm 2019 đạt hơn 54 ngàn tỷ đồng thì khối FDI cũng chiếm trên 30%.
Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương nhận xét: “Hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Các tập đoàn đa quốc gia khi đến Đồng Nai đầu tư thường “kéo theo” các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình. Do đó, Đồng Nai là nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển hàng đầu tại Việt Nam cùng với TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương...”.
Đồng Nai cũng được coi là “thủ phủ” trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, vì tới đầu tháng 2-2020, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chiếm 62-64% trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đồng thời trở thành nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào lớn cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Theo mục tiêu của Nghị quyết 50, đến năm 2025, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 30% và đạt 40% vào năm 2030, nhưng tại Đồng Nai hiện tỷ lệ này đã đạt bình quân gần 50%. Có được kết quả này là do tỉnh đã đi trước cả nước trong chính sách thu hút đầu tư FDI.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư khẳng định: “Từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên mời gọi các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường nên dòng vốn FDI thu hút được đúng theo yêu cầu Trung ương đề ra. Tuy nhiên, khi có Nghị quyết 50/NQ-TW, tỉnh đã căn cứ vào đó để sàng lọc, lựa chọn những dự án FDI chất lượng hơn”.
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, các dự án FDI thu hút được hầu hết là có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.
PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đón được dòng vốn FDI sớm nhất trong cả nước. Dòng vốn FDI đã giúp cho tỉnh trở thành nơi có công nghiệp phát triển hàng đầu tại Việt Nam. Trong giai đoạn tới, tỉnh nên chú ý hơn nữa đến cơ cấu, chất lượng dòng vốn FDI cho phù hợp để tiếp tục và tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
* “Sức ép” từ dòng vốn FDI
Bên cạnh những mặt được, hai “gánh nặng” lớn Đồng Nai phải giải quyết khi thu hút dự án FDI nhiều là hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đối mặt với việc thiếu trầm trọng nhà ở xã hội cho công nhân lao động, trường học cho con em người lao động, đường sá quá tải dẫn đến kẹt xe, hệ thống thoát nước không kịp gây ra ngập lụt cục bộ trong mùa mưa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Tỉnh đã quy hoạch hơn 200 hécta đất để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội tại những nơi đông công nhân như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa để giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho người lao động. Hiện có một số dự án về nhà ở xã hội đã được xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân”.
Trong gần 1 triệu lao động làm việc tại Đồng Nai, có hơn 60% lao động đến từ các tỉnh, thành khác và số lao động này đều rất cần nhà ở.
Về trường lớp, mỗi năm Đồng Nai đều đưa vào danh mục đầu tư hàng chục trường học để đáp ứng nhu cầu đến trường của con em lao động, người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh phải chi hàng ngàn tỷ đồng để làm hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho các khu đô thị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận xét, thu hút FDI, giải ngân nguồn vốn FDI, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước của Đồng Nai đều nằm trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Trong đó, các doanh nghiệp FDI đóng góp khá lớn cho ngân sách nhà nước.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay: “TP.Biên Hòa chỉ thu hút những dự án FDI có công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động để giảm áp lực cho thành phố. Trong giai đoạn tới, thành phố không phát triển thêm khu công nghiệp mà tập trung vào phát triển thương mại, dịch vụ”.
Thu hút số lượng lớn doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực công nghiệp, tỉnh còn phải giải quyết “gánh nặng” về môi trường. Tuy phần lớn doanh nghiệp FDI trong tỉnh đã chấp hành tốt chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng cũng còn một số doanh nghiệp lén lút xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từng khiến dư luận bức xúc. Cụ thể, như vụ Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam ở xã Phước Thái (huyện Long Thành), Công ty TNHH Chin Well Fasteners Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch), Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (huyện Định Quán)... Nhiều sông, suối trên địa bàn tỉnh cũng bị ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp.
Tình trạng kẹt xe xảy ra ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông lao động thường xuyên xảy ra. Do đó, Đồng Nai phải dành nguồn vốn đầu tư công lớn để xây dựng mới và mở rộng các tuyến đường.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh có dấu hiệu chuyển giá, buộc các ngành chức năng thêm gánh nặng trong quản lý để tạo môi trường đầu tư công bằng. Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai chia sẻ, tình trạng chuyển giá trong doanh nghiệp FDI ngày càng phức tạp và tinh vi nên ngành thuế rất vất vả trong chống chuyển giá. Mỗi năm, ngành thuế tỉnh truy thu được 200-300 tỷ đồng và ngăn lỗ 2-3 ngàn tỷ đồng từ công tác chống chuyển giá, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng và tăng doanh thu cho ngân sách nhà nước.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/ky-nguyen-moi-trong-thu-hut-fdi-2988567/