Kỷ nguyên năng lượng của Tổng thống Trump có thực sự thay đổi?
Lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào cuối tháng này được mọi người tin rằng sẽ mang lại một kỷ nguyên mới trong chính sách năng lượng của Mỹ - một kỷ nguyên của các quy định ủng hộ dầu mỏ và khí đốt nhằm thúc đẩy khai thác và xuất khẩu của đất nước, phù hợp với chương trình nghị sự thống trị năng lượng của ông Trump.
Liệu có như kỳ vọng?
Theo Reuters, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ tối đa hóa sản lượng dầu và khí tự nhiên của Mỹ - vốn đã ở mức cao kỷ lục - một phần bằng cách xóa bỏ những gì ông cho là quy định và quan liêu không cần thiết.
Tuy nhiên, niềm tin này có thể bị tan vỡ bởi những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Trump. Đã có những dấu hiệu cho thấy bản thân ngành dầu khí không thực sự đồng tình với việc chiếu lại bộ phim "Drill, baby, Drill" mà cuộc cách mạng đá phiến đã tạo ra. Ngành công nghiệp này dường như đã tiến đến giai đoạn kỷ luật tài chính và lợi ích của cổ đông và sẽ không quay trở lại giai đoạn mà mục tiêu cuối cùng là xem họ có thể khai thác được bao nhiêu dầu khí. Sau đó là dầu và khí đốt.
Các báo cáo về sự cạn kiệt ở mảng đá phiến đang bắt đầu xuất hiện ngày càng thường xuyên. Điều này không có nghĩa là sản lượng sẽ sớm đạt đỉnh vì vẫn còn nhiều dầu khí trong các mỏ đá phiến. Tuy nhiên, theo Energy Aspects, hoạt động khai thác này đang thay đổi và nó đang thay đổi theo hướng khiến dầu của Mỹ ít liên quan hơn đến giá dầu toàn cầu.
Trong một bài bình luận trên tờ Financial Times tuần vừa qua, Amrita Sen, đồng sáng lập và giám đốc nghiên cứu của Energy Aspects, nói rằng các nhà khai thác dầu của Mỹ dường như không muốn tăng sản lượng đáng kể vì mức hòa vốn của họ đã tăng lên trong 4 năm qua. Bà Sen cũng nói rằng việc thúc đẩy khai thác hydrocarbon cũng đồng nghĩa ngày càng có nhiều khí hơn ở khu vực đá phiến và điều này sẽ ảnh hưởng đến tổng lượng dầu của Mỹ.
Quan sát này hoàn toàn không mới hay độc đáo. Hãng Reuters năm ngoái đưa tin rằng dầu thô được bơm ở Permian ngày càng nhẹ hơn, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu đối với loại dầu WTI. Điều này có thể làm giảm nhu cầu pha trộn giữa các nhà máy lọc dầu vì dầu càng nhẹ thì càng cần phải trộn dầu thô nặng hơn tại các nhà máy lọc dầu để tạo ra loại nhiên liệu tương tự như trước đây.
Trên thực tế, tình hình khó có thể thay đổi nhiều vì nguồn tài nguyên đá phiến chưa được khai thác đã bị thu hẹp trong thập kỷ qua. "Không có đủ số thùng chưa khai thác trong tay" bà Sen viết và nói thêm rằng vì tình hình hiện tại, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không thể làm gì trong 4 năm tới để bổ sung số lượng mà ông ấy đã hứa.
Trước đó, ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent từng tuyên bố Mỹ có thể tăng thêm 3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong 4 năm tới như một biện pháp giảm thâm hụt ngân sách.
Ý tưởng này gần như ngay lập tức bị chỉ trích là phi thực tế vì nhiều lý do, bao gồm cả việc các công ty khoan dầu không sẵn lòng và thiếu động lực tài chính để khoan nhiều hơn mức họ đang khoan. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản về nguồn lực sẵn có có lẽ là yếu tố quan trọng hơn. Nếu dầu trong khu vực đá phiến ngày càng nhẹ hơn và khí đốt chiếm một phần trong tổng sản lượng hydrocarbon ngày càng tăng, thì thực sự sẽ có những thách thức đối với sự tăng trưởng dầu mỏ mạnh mẽ hơn nữa của Mỹ.
Giá cả toàn cầu chịu tác động
Điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến giá toàn cầu vì WTI hiện là một phần của chuẩn Brent. Nhìn chung, rất có thể, hiệu ứng sẽ là tăng giá, vì giả định rằng bất kể Tổ chức OPEC có động thái như thế nào, các hãng khoan dầu của Mỹ sẽ không khai thác nhiều thùng dầu hơn.
Bên cạnh đó, tác động của việc thay đổi đặc tính của dầu thô Mỹ có thể đẩy giá dầu Brent xuống do nhu cầu đối với một trong những hỗn hợp cấu thành của nó giảm do những rắc rối liên quan khi pha trộn nó với các loại nặng hơn. Và điều đó sẽ khiến các công ty khoan dầu thậm chí còn ít sẵn sàng đầu tư hơn vào tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ. Đó là một quá trình tự nhiên và cũng là sự cạn kiệt.
Chính vì những quá trình tự nhiên này và việc thiếu các biện pháp khuyến khích tài chính mà Energy Aspects đưa ra dự báo khá thận trọng về tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ trong 4 năm tới. Dự báo đó là tổng mức tăng trưởng 400.000 thùng/ngày, hay 3% so với mức hiện tại.
JP Morgan cũng dự kiến mức tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ là 3,6% trong 5 năm tới, lên tổng cộng 13,5 triệu thùng mỗi ngày. Con số này giảm so với tốc độ tăng trưởng 13,4% trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2024. Mặt khác, việc tăng sản lượng khí đốt sẽ làm dịu đi những lo ngại rằng xuất khẩu ngày càng tăng sẽ dẫn đến giá khí đốt trong nước cao hơn.
Theo truyền thông địa phương, ông Trump có thể sẽ ra lệnh cho chính quyền của mình mở rộng đáng kể hoạt động khoan dầu khí trên vùng đất và vùng biển liên bang, đảo ngược các động thái thời Tổng thống Biden nhằm giảm thiểu việc phát triển nhiên liệu hóa thạch trên diện tích đất Mỹ. Điều này phần lớn sẽ tùy thuộc vào quyết định của Bộ Nội vụ trong việc quyết định mức độ thường xuyên và ở quy mô nào để tổ chức các cuộc đấu giá cho các hãng khoan. Khoảng 1/4 lượng dầu của quốc gia đến từ tiền thuê liên bang. Tuy nhiên, một thách thức lớn sẽ là mở rộng các cuộc đấu giá sang các khu vực mới ngoài khơi, sau khi ông Biden sử dụng Đạo luật Đất đai trong tháng này để bảo vệ những vùng đất rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và các nơi khác khỏi hoạt động phát triển dầu mỏ.