Kỷ nguyên nhân công giá rẻ ở châu Á chuẩn bị đến hồi kết?
Nhiều lao động trẻ ở châu Á không còn muốn làm việc trong nhà máy. Họ tìm đến những lựa chọn khác để có thu nhập cao hơn và bớt mệt mỏi hơn.
Nhà máy nổi bật bởi những cửa sổ lắp kính trong suốt từ sàn lên đến trần, đi kèm với đó là quán cà phê và các lớp học khiêu vũ, yoga miễn phí. Hàng tháng, những người công nhân sẽ cùng nhau dành thời gian cho các hoạt động team-building như uống bia, chơi bowling.
Tờ Wall Street Journal khẳng định khung cảnh này không phải văn phòng Google. Đó thực tế là một nhà máy may ở Việt Nam.
Theo tờ báo của Mỹ, châu Á, khu vực được mệnh danh là công xưởng thế giới đang phải đối mặt với một vấn đề lớn: Nhiều người trẻ tuổi không muốn làm việc trong các nhà máy nữa.
Đó là lý do khiến các nhà máy đang cố gắng thay đổi để biến môi trường sản xuất của mình trở nên hấp dẫn hơn. Và hồi chuông cảnh báo cũng bắt đầu rung lên đối với các công ty phương Tây khi trước nay họ quen dựa vào lao động giá rẻ trong khu vực châu Á để hạ thấp giá thành sản phẩm.
Paul Norriss, đồng sáng lập UnAvailable, thương hiệu may mặc có trụ sở tại TP.HCM cho biết, những công nhân ở độ tuổi 20 - lực lượng lao động truyền thống của ngành may mặc - thường xuyên rời bỏ chương trình đào tạo do công ty ông tổ chức. Những người ở lại cũng chỉ làm trong một vài năm. Vì vậy, ông kỳ vọng việc thay đổi môi trường làm việc có thể phần nào tạo tác động tích cực.
Norriss nói: “Họ muốn trở thành một nhà sáng tạo nội dung trên mạng, thành nhiếp ảnh gia, hoặc làm việc tại một quán cà phê nào đó”.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng công nhân, nhiều nhà máy châu Á đã phải tăng lương và áp dụng các chiến lược tốn kém như tăng thêm chế độ ăn uống hay xây dựng trường mẫu giáo dành cho con em của các công nhân.
Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro nói rằng trong năm nay tình trạng thiếu lao động ở Việt Nam và Trung Quốc đã đẩy chi phí sản xuất của họ lên cao. Mattel, nhà sản xuất búp bê Barbie, đơn vị sở hữu dây chuyền sản xuất lớn tại châu Á, cũng đang vật lộn với câu chuyện tương tự. Cả hai công ty đã phải tăng giá bán sản phẩm.
Nike, công ty sản xuất phần lớn giày ở châu Á, hồi tháng 6 cho biết giá thành sản phẩm của họ đã tăng lên do chi phí nhân công cao hơn.
Chia sẻ với Wall Street Journal, nhà kinh tế học Manoj Pradha khẳng định: “Với những người Mỹ vốn quen với việc tiêu dùng hàng hóa ở một mức giá ổn định, phù hợp với thu nhập của họ, giờ là lúc họ cần điều chỉnh lại”.
Bắt đầu từ những năm 1990, Trung Quốc và sau đó là quốc giá châu Á khác đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành cứ điểm sản xuất hàng hóa quan trọng. Nhờ đó, giá thành các mặt hàng như tủ lạnh, bàn ghế sofa, đồ điện tử,…đều rẻ hơn.
Nhưng giờ đây, các quốc gia sản xuất đó đang phải đối mặt với một vấn đề mang tính thế hệ. Những người lao động trẻ tuổi, được hưởng thụ nền giáo dục tốt hơn cha mẹ mình, và được tiếp xúc với các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok,…đã quyết định rằng công việc của họ không nên bó hẹp trong bốn bức tường nhà máy.
Ngoài ra, sự thay đổi nhân khẩu học cũng là một yếu tố tạo ảnh hưởng. Những người trẻ tuổi ở châu Á đang sinh ít con hơn so với cha mẹ họ, và họ cũng sinh con ở độ tuổi muộn hơn. Điều này đồng nghĩa họ chịu ít áp lực hơn trong việc tìm kiếm thu nhập ổn định ở độ tuổi 20, nên họ có thể dễ dàng chọn những công việc nhàn hạ như làm nhân viên cửa hàng hay lễ tân khách sạn.
Riêng tại Trung Quốc, vấn đề có phần nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị lên tới 21% trong tháng 6 vừa qua, mặc dù các nhà máy đều thiếu lao động. Việc khó thu hút lực lượng lao động trẻ tuổi tại Trung Quốc khiến một số công ty đa quốc gia đã phải dịch chuyển địa điểm sản xuất ra khỏi đất nước tỷ dân.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế, tại Trung Quốc, tiền lương công nhân nhà máy đã tăng 122% trong giai đoạn 2012 đến 2021. Còn tại Việt Nam, mức lương trung bình của một công nhân nhà máy đã tăng gấp đôi nếu so với mốc 2011, lên 320 USD một tháng.
Đầu năm nay, Nguyễn Anh Tuấn, 25 tuổi, một lao động phổ thông đã quyết định bỏ công việc thợ máy tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở ngoại thành Hà Nội, để làm tài xế cho Grab. Tuấn nói rằng mức lương theo giờ khi chạy Grab thấp hơn mức lương cậu kiếm được thời còn làm ở nhà máy, nhưng sự thay đổi đó là xứng đáng, bởi Tuấn được làm ông chủ của chính mình.
“Những người giám sát cũ thường nhận xét rất khó chịu, khiến tôi căng thẳng trong công việc,” Tuấn nói về quãng thời gian ba năm làm việc tại nhà máy. Cậu cho rằng sẽ chỉ cân nhắc quay lại nếu mức lương khoảng 400 USD mỗi tháng mà cậu từng nhận được điều chỉnh tăng gấp đôi.
Trước đây, khi giá nhân công tại một quốc gia tăng lên, các nhà sản xuất có thể dễ dàng chuyển đến một địa điểm khác ít tốn kém hơn. Nhưng hiện tại, tình hình đã thay đổi. Có những quốc gia ở châu Phi hay Nam Á, dù sở hữu lực lượng lao động lớn, nhưng lại không ổn định về mặt chính trị, hoặc thiếu cơ sở hạ tầng hay người lao động chưa được đào tạo tay nghề.
Thực tế cho thấy nhiều thương hiệu quần áo đã gặp khó khăn khi họ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Myanmar và Ethiopia, để rồi nhận ra hoạt động của mình vẫn bị gián đoạn bởi tình trạng bất ổn và nội chiến. Hay như Bangladesh từng là một địa điểm gia công quần áo lý tưởng, nhưng các chính sách thương mại hạn chế và các cảng biển liên tục bị tắc nghẽn khiến mọi chuyện không mấy sáng sủa.
Ấn Độ, quốc gia nổi lên như một lựa chọn hợp lý khi các thương hiệu nước ngoài tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế Trung Quốc, cũng đang đối mặt với bài toán giữ chân lao động trẻ trong nhà máy. Nhiều thanh niên Ấn Độ thích cuộc sống nông trại đi kèm với các chương trình phúc lợi của Nhà nước, hoặc chọn một công việc tự do ở các thành phố lớn, hơn là làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Năm 2001, Nike cho biết hơn 80% công nhân nhà máy của họ là người châu Á, với mẫu số chung là những người ở khoảng 22 tuổi, độc thân, lớn lên từ nông thôn. Ngày nay, độ tuổi trung bình của công nhân Nike tại Trung Quốc là 40 và ở Việt Nam là 31; một phần do dân số tại các nước châu Á đang già đi nhanh chóng.
Maxport Limited Việt Nam, một nhà cung cấp của Nike được thành lập vào năm 1995, cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt để thu hút lục lượng lao động trẻ tuổi. Khoảng 90% công nhân của Maxport từ 30 tuổi trở lên. Ngoài ra, công ty cũng đã chấm dứt chương trình đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp phổ thông, vì rất ít người nhận việc sau khi hoàn thành chương trình.
Shawn Nelson, giám đốc điều hành thương hiệu đồ nội thất Lovesac, cho biết những người trẻ tuổi ở các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam, với việc sở hữu điện thoại thông minh, họ có thể dễ dàng hòa nhập với văn hóa toàn cầu và ít quan tâm đến các công việc trong nhà máy.
Ông nói: "Họ không muốn làm mấy công việc sản xuất trong nhà máy nữa. Họ thà làm việc trong cửa hàng còn hơn". Shawn Nelson nói thêm rằng công ty ông dự định dịch chuyển một số hoạt động sản xuất về Mỹ vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh tìm kiếm nguồn lao động trẻ trở nên khó khăn, các nhà máy châu Á đã chuyển sang phương án áp dụng dây chuyền sản xuất tự động hóa. Vấn đề là họ vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những công nhân có khả năng vận hành máy móc tiên tiến. Đội ngũ quản lý than phiền rằng người trẻ không quan tâm đến lĩnh vực cơ khí, và thích nhảy sang các ngành nghề khác.
Abhyuday Jindal, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất thép không gỉ Jindal Stainless tại Ấn Độ, cho biết người lao động Gen Z bị thu hút bởi lĩnh vực công nghệ thông tin và hầu hết trong số họ “tìm kiếm công việc làm trong văn phòng, ngay cả khi ứng tuyến cho các vị trí kỹ thuật”.
Richard Jackson, giám đốc điều hành JacksonGrant, một công ty tuyển dụng có trụ sở tại Thái Lan, cho biết: “Các nhà máy hoặc phải trả nhiều tiền hơn để tuyển được người phù hợp, hoặc phải chấp nhận thỏa hiệp”.
Tại Malaysia, một nhà máy sản xuất chất bán dẫn đã bắt đầu bỏ quy định mặc đồng phục, điều mà người lao động trẻ không mấy ưa thích, và thiết kế lại không gian làm việc. Đại diện nhà máy, ông Syed Husman cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng làm cho các nhà máy của mình hấp dẫn hơn, bằng cách mở rộng vách ngăn, sử dụng kính trong suốt, tạo khoảng trống để ánh sáng lọt vào nhiều hơn, mở một số bản nhạc hay,…đại loại tạo ra một kiểu môi trường như của Apple”.
Trong khi đó, những người trẻ tuổi từ các nước đang phát triển, vốn không mặn mà với các công việc của nhà máy, đã bắt đầu tìm kiếm công việc chăm sóc người già tại các quốc gia đã phát triển.
Susi Susanti, 29 tuổi đến từ Indonesia, cho biết cô đã thử làm việc tại nhà máy sau khi tốt nghiệp trung học. Cô từng làm việc tại một nhà máy điện tử và công việc thứ hai là tại nhà máy đóng giày. Nhưng cô ghét cách những người quản lý gây áp lực buộc cô phải làm việc nhanh hơn. Vì vậy, Susi Susanti quyết định rằng mình phải làm một cái gì đó khác.
Sau khi học một khóa tiếng Trung cơ bản trong 6 tháng, Susi Susanti nhận làm công việc chăm sóc cho một cặp vợ chồng già ở Đài Loan (Trung Quốc). Tiền lương cao gấp ba lần so với những gì cô kiếm được trong các nhà máy ở quê hương, và công việc lại không mệt mỏi bằng. Cô gái trẻ nói: “Khi hai cụ khỏe mạnh, tôi hoàn toàn có thể thư giãn”.