Kỷ nguyên tiền rẻ ở Nhật Bản vẫn chưa kết thúc?

Quyết định của BoJ tăng gấp đôi biên độ dao động lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm được coi là bước khởi đầu của quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng gấp đôi biên độ dao động lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm đã gây sốc cho thị trường. Nhiều chuyên gia coi động thái này là bước khởi đầu của quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro - đối tác của công ty tư vấn kinh tế vĩ mô và bất động sản Lauressa Advisory (Anh), BoJ có lý do chính đáng để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng họ sẽ cần thuyết phục thị trường về quyết định này trước khi kích hoạt một đợt bán tháo nguy hiểm trên thị trường tài chính.

Ngay khi các nhà đầu tư nghĩ rằng năm 2022 không thể gây ra sự bất ngờ nào nữa, ngày 20/12, các quan chức BoJ đã bất ngờ nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, với việc tăng gấp đôi biên độ dao động lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm từ mức cộng trừ 0,25% hiện nay lên cộng trừ 0,5%.

Quyết định này được đưa ra sau phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày của Hội đồng Chính sách BoJ trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ - nơi Fed tăng đến 0,75 điểm phần trăm mỗi lần, việc nới rộng mức trần lợi suất JGB của Nhật Bản có vẻ chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ, Nhật Bản đã duy trì lãi suất âm kể từ năm 2016.

Tuy nhiên, chính vì Nhật Bản vẫn đang là một ngoại lệ trong xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu, và bởi vì thời điểm thực hiện động thái của BoJ là hoàn toàn bất ngờ, nên sự điều chỉnh lợi suất JGB càng trở nên quan trọng hơn và gây chú ý hơn. Vào thời điểm mà thị trường nhạy cảm với những thay đổi chính sách và có xu hướng phản ứng thái quá, tín hiệu mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản gửi đi là vô cùng quan trọng.

BoJ khẳng định việc điều chỉnh trên được thiết kế để làm cho khung kiểm soát đường cong lợi suất bền vững hơn. BoJ vẫn giữ nguyên lợi suất JGB ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Tuy nhiên, lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm đã chứng kiến mức tăng hàng ngày mạnh nhất trong hai thập kỷ sau thông báo của BoJ và hiện đang ở ngay dưới mức trần 0,5%. Hơn nữa, kỳ vọng đồng yen giảm giá - vốn khá phổ biến trước đây do lập trường lãi suất âm - đang bắt đầu thay đổi.

Nhiều nhà đầu tư coi động thái mới nhất của BoJ sẽ mở ra sự kết thúc của kỷ nguyên lãi suất cực thấp ở nền kinh tế lớn thứ hai châu Á. Dưới áp lực của lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng mạnh trong năm nay, nhiều người tin rằng Nhật Bản cuối cùng buộc phải bình thường hóa chính sách tiền tệ. BoJ dường như bị cô lập khi các ngân hàng trung ương lớn khác đều lựa chọn tăng lãi suất. Đáng lo ngại hơn, chính sách tiền tệ siêu lỏng của Nhật Bản trong nhiều năm đã làm giá tài sản bị bóp méo nghiêm trọng, với BoJ sở hữu hơn một nửa thị trường nợ chính phủ đang ngày càng rối loạn của Nhật Bản.

Hơn nữa, đồng yen lao dốc đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất kể từ năm 1981, khiến tiền lương thực tế giảm trong 7 tháng liên tiếp. Điều này đã góp phần khiến cho tỷ lệ ủng hộ của Thủ tướng Fumio Kishida giảm mạnh.

Chuyên gia Hideo Kumano của Viện nghiên cứu đời sống Dai-ichi, bình luận: “Thời điểm đưa ra quyết định này là đáng ngạc nhiên. BoJ đang bắt đầu đặt nền móng cho (sự điều chỉnh chính sách) trong thời hậu Thống đốc Haruhiko Kuroda”. Theo chuyên gia Kumano, BoJ có thể lựa chọn nâng biên độ dao động lợi suất JGB ở mức thấp hơn, nhưng rõ ràng là ngân hàng trung ương này hy vọng quyết định mới này sẽ giúp ổn định thị trường trái phiếu “vốn đang hoạt động một cách không bình thường” ngay cả khi quyết định này có thể bị coi là thắt chặt tiền tệ.

Dường như các nhà đầu tư đều đang đặt cược vào kịch bản ngân hàng trung ương sẽ đảo ngược lập trường lâu năm của mình và người kế nhiệm Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda – người sẽ nắm quyền lãnh đạo BoJ vào tháng 4/2023 – sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để bình thường hóa chính sách. Câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng trung ương có thể kiểm soát những đồn đoán xung quanh câu chuyện lãi suất ở mức độ nào để tránh thị trường phản ứng thái quá.

Thực tế là đến nay, các điều kiện kinh tế không bắt buộc BoJ tăng lãi suất đáng kể để hạ nhiệt lạm phát. Mặc dù lạm phát (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) ở Nhật Bản tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với ở Mỹ và châu Âu.

Quan trọng hơn, tăng trưởng tiền lương - vốn khá yếu Nhật Bản trong nhiều thập kỷ - cần được duy trì đà tăng. Trong khi các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa Xuân sắp tới có thể thúc đẩy mức tăng lương đáng kể, nhiều công ty lo ngại rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ suy yếu do giá cả cao hơn, khiến họ gặp khó khăn trong việc tăng lương cho người lao động.

Hơn nữa, BoJ chắc hẳn không muốn thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm khi vẫn chưa rõ liệu họ có thể thay đổi tư duy giảm phát của Nhật Bản “một lần và mãi mãi” hay không. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu tạo đỉnh và các biện pháp của chính phủ nhằm giảm hóa đơn tiền điện hộ gia đình dự kiến sẽ làm chậm tốc độ tăng giá trong năm tới, BoJ không còn lựa chọn nào khác ngoài duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để đảm bảo tốc độ tăng lạm phát được giữ vững.

Nếu có một quốc gia nào cần thận trọng trong việc đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng, đó chính là Nhật Bản. Một sự điều chỉnh nhỏ trong khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất cũng khiến lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm tăng vọt, gây ra tình trạng bán tháo ở các thị trường trái phiếu lớn khác. Vị trí của Nhật Bản là “chủ nợ” lớn nhất thế giới, với 3.600 tỷ USD tài sản ròng ở nước ngoài, đã khuếch đại tác động của những động thái bất ngờ của BoJ.

Nếu các ngân hàng và quỹ hưu trí Nhật Bản - nằm trong số các nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới - bắt đầu mạnh tay bán tài sản nước ngoài của họ và chuyển tiền về nước để tận dụng lợi suất cao hơn, những bất ổn lan rộng trên thị trường tài chính có thể xảy ra vào thời điểm nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu.

Khác với việc nổ phát súng đầu tiên hướng đến lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ, dường như ông Kuroda đang giảm bớt một số áp lực cho người kế nhiệm của mình bằng cách cố gắng giảm thiểu các cuộc tranh cãi trên thị trường. BoJ đang gặp khó khăn trong việc duy trì uy tín, nhưng điều này không tác động lớn như những vấn đề mà việc đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng có thể gây ra cho Nhật Bản và các thị trường./.

Mai Ly/BNEWS/SCMP

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ky-nguyen-tien-re-o-nhat-ban-van-chua-ket-thuc/275937.html