Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng

Tỉnh Ninh Bình tối 17-4 đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Tối 17-4 (tức mùng 9-3 âm lịch), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng (924-2024) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Lãnh đạo các cơ quan trung ương, lãnh đạo địa phương và hàng ngàn người dân, du khách đã về dự.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2024

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2024

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết đây là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, các giá trị văn hóa tốt đẹp, ý chí độc lập, tự chủ, thống nhất và khát vọng hòa bình của dân tộc ta; thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc công lao, những đóng góp to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân.

Từ đó, làm sâu sắc hơn về tầm vóc lịch sử, giá trị đặc biệt, vai trò to lớn của triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê, của Nhà nước Đại Cồ Việt và của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đồng thời, tôn vinh các giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Hoa Lư; thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm

Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm

Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm

Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm

Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại: Đinh, tiền Lê, Lý.

Trải qua thời gian, Lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Với những giá trị tiêu biểu, trường tồn ấy, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với Cố đô Hoa Lư tạo nên giá trị đặc biệt của Quần thể danh thắng Tràng An.

Hàng ngàn người dân, du khách tới dự lễ kỷ niệm

Hàng ngàn người dân, du khách tới dự lễ kỷ niệm

Tại lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024, người dân và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Sứ mệnh đế đô" với sự tham gia của hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, vũ công chuyên nghiệp.

Điểm nhấn của buổi lễ là màn trình diễn drone light, mô phỏng sinh động câu chuyện về Vua Đinh Tiên Hoàng từ thuở niên thiếu đến khi dựng nghiệp Đế Vương, mở nền chính thống quốc gia Đại Cồ Việt sau ngàn năm Bắc thuộc, cùng sự tiếp bước của thế hệ hôm nay để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu mạnh.

Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, sinh ngày 15-2-924, tại làng Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ông là con thứ của Thứ sử Đinh Công Trứ (Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền), mẹ là bà Đàm Thị.

Sau khi lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc "nội loạn" ở giữa thế kỷ 10, thu non sông về một mối vào cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi năm 968, xưng là Đinh Tiên Hoàng Đế, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài; là anh hùng dân tộc, mở đầu và đặt nền thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.

Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-niem-1100-nam-ngay-sinh-vua-dinh-tien-hoang-196240418083344615.htm