Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà thơ Tố Hữu: Còn vọng mãi những vần thơ bất tửNhững dòng thơ thépCó một Tố Hữu trong lòng người Việt

Ở thế kỷ XX, Tố Hữu là nhà thơ đặc biệt trong dòng thơ cách mạng Việt Nam mà không nhà thơ nào vượt qua. Thơ của ông không chỉ phục vụ cách mạng, Tổ quốc; mà còn 'chạm' tới trái tim và làm lay động triệu triệu tâm hồn người Việt.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà

Nhắc đến nhà thơ Tố Hữu, những người yêu thơ hoặc thi hữu đã từng yêu mến dòng thơ cách mạng không thể không nhắc tới bài thơ Từ ấy. Từ ấy được coi như “ánh lửa sáng” soi chiếu, thức tỉnh hàng triệu trái tim người Việt hãy hành động từ trái tim mình, hãy ra tiền tuyến đánh giặc để giải phóng gấm vóc non sông.

Chân dung cố nhà thơ Tố Hữu, ảnh TL

Ngay sau Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, để tiếp tục thức tỉnh và truyền lý tưởng ánh sáng cách mạng bằng Học thuyết Chủ nghĩa Mác Lê nin cho những người cộng sản và thanh niên Việt Nam yêu nước lúc đó, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Từ ấy. Khi Từ ấy được tuyên truyền trong quần chúng, ngay lập tức nó trở thành “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận chính trị tư tưởng và có tác động thúc giục lôi cuốn mạnh mẽ những người yêu nước.

Cho đến bây giờ đúng 82 năm kể từ khi bài thơ Từ ấy ra đời (tháng 7-1938), những vần thơ vẫn tạo ra “lửa” trong tim người cách mạng. Để rồi mỗi lần đọc lên, chen lẫn niềm vui sướng trong tim mỗi người là sự xúc động và tự hào. Bởi còn gì vui hơn, đẹp hơn được cống hiến, được xả thân cho Tổ quốc, cho quê hương nơi mình một đời gắn bó. Những câu từ như thấm vào gan ruột, cho dù đã trải qua gần một thế kỷ qua:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vương hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Cái tài tình của Tố Hữu là ông đã “truyền ánh sáng cách mạng” vào tâm khảm và trái tim của thanh niên yêu nước Việt Nam lúc đó bằng thơ mà nó được “cô đặc” “biến” thành “sức mạnh vật chất”. “Mặt trời chân lý” trong Từ ấy mà Tố Hữu truyền vào tâm hồn người cộng sản lúc đó chính là ánh sáng Học thuyết Mác Lê nin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem về từ Cách mạng Tháng Mười. Nếu cái “bừng nắng hạ” là sự giác ngộ thức tỉnh người Việt hãy hành động và bước theo ánh sáng cách mạng, thì “Chân lý chói qua tim” chính là “đường dẫn” để thanh niên Việt, người Việt bước đi. Đó cũng chính là yếu tố bản chất để khẳng định rằng, chỉ có “Chân lý Mác Lê nin” mới có thể đưa Cách mạng Việt Nam thắng lợi thoát khỏi gông cùm xiềng xích. Chỉ có ánh sáng Chủ nghĩa Mác Lê nin mới giải phóng dân tộc Việt Nam và người Việt thoát khỏi chiến tranh bằng phương pháp “bạo lực cách mạng”.

Có thể nói, để có được những vần thơ “vắt” ra từ gan ruột ấy, Tố Hữu đã trải qua “đời cách mạng”. Chính ông là chiến sĩ cầm súng chiến đấu trên chiến trường khói lửa, chỉ khác ông vừa cầm súng vừa cầm bút. Nói cách khác, Tố Hữu là người truyền lửa nhiệt huyết cách mạng, “vạch” hướng đi và cách đi cho thế hệ thanh niên Việt ở thế kỷ XX trên lĩnh vực tư tưởng chính trị mà “Từ ấy” là “Ngọn lửa dẫn đường”. Vì vậy, dù thời gian có dài bao nhiêu chăng nữa, thế vận có đổi thay thế nào, lý tưởng chân chính của người cách mạng vẫn không bao giờ bị thay đổi. Bởi nó được “Truyền lửa” bằng những vần thơ đặc biệt. Đó là những vần thơ phục vụ cách mạng, cống hiến và hi sinh vì Tổ quốc.

Sự nghiệp của cố nhà thơ Tố Hữu có nhiều bài thơ, tập thơ nổi tiếng như: “Máu và Hoa”, “Gió lộng”, “Nước non ngàn dặm”, “Với Đảng mùa xuân”, “Ta đi tới”…Thơ của ông bình dị, lắng động và chạm đến trái tim người Việt đến mức dễ đọc, dễ nhớ và nhiều người thuộc lòng. Chẳng thế mà những chiến sĩ trên chiến trường đánh Mỹ mượn thơ ông để tỏ tình với người yêu: “Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ, anh dành riềng cho Đảng phần nhiều, phần cho thơ và phần để em yêu”.

Trong cuộc trường chinh của dân tộc, để tiếp tục “khích lệ” tinh thần đánh giặc, và xây dựng đất nước, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Ta đi tới”. “Ta đi tới” là bài thơ đặc biệt của Tố Hữu nói về niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mới bước ra từ khói lửa chiến tranh trên con đường đi tìm cuộc sống mới, mà những anh chị dân công, những người thuần nông miền Bắc, miền Nam đã “dốc sức” trong cuộc hành trình khai phá dưới ánh sáng của Đảng. Để rồi hôm nay sau 45 năm chấm dứt chiến tranh, đọc lại những vần thơ trong bài Ta đi tới vẫn thấy nhói lòng.

Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
Chúng nó chẳng còn mong được nữa
Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng
Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn
Đã bước dưới mặt trời cách mạng.
Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng
Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp

Nhưng với tinh thần và nội lực của một dân tộc anh hùng, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên vẫn lên đường đi xây cuộc sống trên những con đường khắp dặm dài đất nước - những con đường có hoa tươi, cờ đỏ, nhưng cũng chất chứa bao nỗi đau của máu người Việt đổ xuống dưới những tầng đất mẹ.

Ta đi tới, không thể nào chia cắt
Mục Nam quan đến bãi Cà Mau
Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc - Nam liền một biển
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố nhà thơ Tố Hữu, những người cộng sản chân chính đã sinh ra và cầm súng chiến đấu trên khắp chiến trường ba miền Bắc- Trung- Nam của đất Việt ở thế kỷ XX không thể không nhắc tới ông. Bởi trong trái tim họ, những vần thơ của Tố Hữu đã là một phần máu thịt. Nói cách khác, những vần thơ cách mạng đã chạm đến trái tim họ.

Hàng triệu thanh niên nam nữ Việt ở thế kỷ XX lấy những vần thơ “Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ, anh giành riêng cho Đảng phần nhiều” làm lẽ sống. Hàng triệu chiến sĩ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” vì họ đã “thấm” “Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa”, nên khi ngã vào lòng đất mẹ vẫn kiêu hãnh vì đã được sống, chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc thân yêu. Và có lẽ vì thế, thơ Tố Hữu có một sức mạnh diệu kỳ trong lòng người Việt.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm ngày ông ra đời và khánh thành công trình Công viên văn hóa và khu lưu niệm của nhà thơ - nhà cách mạng Tố Hữu ở thôn Tân Xuân Lai (xã Quảng Thọ, Huyện Quảng Điền). Đây không chỉ là sự tri ân cố nhà thơ tài năng- nhà cách mạng nhiệt huyết, ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang, khẳng định công lao, đóng góp to lớn của ông đối với quê hương đất nước và nền văn hóa, văn nghệ cách mạng; mà còn là sự tiếp tục truyền lửa cách mạng cho lớp trẻ qua những bài thơ của ông; đồng thời lưu giữ giá trị những bài thơ có giá trị trường tồn mãi mãi.

Nhà thơ - nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh tại làng Phù Lai (Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Ông là nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông từng được giao những chức vụ quan trọng: Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên dự khuyết, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho đến năm 1986. Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 - năm 1996); Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông mất ngày 9.12.2002 tại Hà Nội.

Những bài thơ của Tố Hữu không chỉ dừng lại ở sự “truyền lửa” ánh sáng cách mạng; mà còn thúc dục hàng ngàn, hàng vạn trái tim người Việt trong cuộc chiến trường chinh của dân tộc đứng lên đánh giặc giải phóng quê hương. Thơ Tố Hữu đã chạm đến trái tim người Việt, bởi thế nó có sức sống trường tồn mãi mãi với thời gian

Mai Thắng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa1/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-co-nha-tho-to-huu-con-vong-mai-nhung-van-tho-bat-tu-131658.html