Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021): Từ người thầy giáo đến vị tướng vĩ đại
Năm 1990, trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow, phóng viên tờ New York Times, tác giả cuốn sách 'Vietnam: A history', Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: 'Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể dạy môn Triết học hoặc Lịch sử'…
Khơi dậy tinh thần yêu nước của tuổi trẻ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà Nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà Nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Còn nhỏ, ông đã sớm thấm nhuần lòng yêu nước và hăng hái tham gia hoạt động cách mạng.
Sau nhiều thăng trầm, ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut. Ông nhận bằng cử nhân Luật năm 1937 (Licence en Droit). Tháng 9/1935, khóa học đầu tiên của trường tư thục Thăng Long khai giảng, thầy Võ Nguyên Giáp dạy các môn Pháp văn, Lịch sử, Địa lý từ lớp đệ nhất niên cho đến đệ tứ niên. Ở bậc tú tài, thầy Võ Nguyên Giáp dạy môn Lịch sử. Mỗi giờ đứng lớp của thầy giáo Võ Nguyên Giáp đều có sức truyền cảm rất lớn, đã thắp lên ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi học trò. Và những năm 1936-1939, nghề chính của thầy Võ Nguyên Giáp là dạy học ở trường Thăng Long, nhưng vẫn tự học trường Luật và làm báo.
Trong hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại buổi dạy học cuối cùng của mình ở Trường tư thục Thăng Long trước khi ra nước ngoài hoạt động bí mật theo quyết định của Đảng, tháng 5/1940. Theo đó, tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, thực dân Pháp thủ tiêu nốt chút quyền tự do, dân chủ mà Đảng ta lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được thời kỳ Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm quyền. Các tổ chức hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp của Đảng lúc đó đều phải rút vào hoạt động bí mật. Tháng 4/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng nhắn đồng chí Võ Nguyên Giáp lên Chèm nhận nhiệm vụ mới. Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ cho biết, theo quyết định của Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sẽ vượt biên giới sang hoạt động tại Trung Quốc.
Trong những ngày tháng chuẩn bị đó, thầy giáo Võ Nguyên Giáp tranh thủ vào thư viện nhà trường mượn “Bách khoa toàn thư” để đọc thêm phần về vũ khí, nhất là những vũ khí cho chiến tranh du kích như súng trường, lựu đạn. Đồng thời, thầy nghiên cứu kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa Lê Lợi chống lại nhà Minh, kinh nghiệm chiến tranh du kích của nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kinh nghiệm chiến tranh du kích của nhân dân Tây Ban Nha chống lại cuộc xâm lược của Napoleon.
Trong những năm tháng dạy ở Trường tư thục Thăng Long, thầy giáo Võ Nguyên Giáp được học trò rất yêu quý. Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thầy giáo Võ Nguyên Giáp khi đó đã khéo léo khơi gợi, đưa tinh thần yêu nước vào học trò: “Tôi dạy Lịch sử, tôi tập trung vào những sự kiện tiêu biểu như phong trào Cần Vương hay những tấm gương đầy khí phách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… Ngoài những giờ dạy trên lớp, tôi còn tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, đến Cửa Bắc, đứng trước quả đạn pháo của tàu chiến Pháp bắn vào thành, đến Ô Cầu Giấy, chỗ Henri Riviere, Francis Garnier tử trận. Ngay tại hiện trường, tôi đã giảng giải cho các trò diễn biến của trận đánh và gieo vào lòng các em lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm cứu nước”.
Theo họa sỹ Phan Kế An: “Thầy Giáp luôn dùng những câu chuyện cách mạng để đưa tinh thần cách mạng đó vào Việt Nam. Cách dạy đó vừa hấp dẫn vừa khiến học sinh sôi nổi, quan trọng hơn nó đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của tuổi trẻ”. Nhiều học trò của thầy Giáp đã tìm đến chủ nghĩa cộng sản và được kết nạp Đảng. Vì vậy, có đôi ba học trò biết thầy giáo Võ Nguyên Giáp sắp đi làm nhiệm vụ Đảng giao.
Và cuộc chia ly cuối cùng
Một buổi chiều thứ sáu đầu tháng 5/1940, thầy giáo Võ Nguyên Giáp rời khỏi ngôi nhà nhỏ có người vợ, người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái và cô con gái nhỏ chưa đầy tuổi Võ Hồng Anh để đến trường. Ra khỏi nhà một quãng, ông ngoái lại nhìn ngôi nhà, nhìn thật lâu vì biết chuyến đi ra nước ngoài lần này chưa biết bao giờ mới trở về.
Theo lịch dạy của nhà trường, lẽ ra hôm sau (thứ bảy), thầy Võ Nguyên Giáp vẫn có tiết giảng nhưng ông đã sắp xếp dạy dồn cả chương trình ngày thứ 7 vào thứ 5 và thứ 6 để có một khoảng cách hai ngày (thứ Bảy và Chủ Nhật) không phải đến trường. Ông đã biên sẵn một lá thư gửi giám đốc nhà trường, nói là về quê Quảng Bình rồi bị mệt nên chưa ra Hà Nội được. Thư này, gia đình ông sẽ gửi từ Quảng Bình ra, sau khi thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã đi khỏi Hà Nội.
Năm giờ chiều, buổi dạy cuối cùng kết thúc, thầy giáo Võ Nguyên Giáp lững thững đi về phía Hồ Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây. Tiếng ve sầu kêu râm ran. Ông vừa đi vừa để ý xem có bị mật thám Pháp theo dõi không. May sao, chiều hôm đó không thấy bóng dáng bọn chúng. Người vợ trẻ Nguyễn Thị Quang Thái ẵm cô con gái nhỏ Hồng Anh đứng đợi để chia tay chồng ở một gốc cây ven đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên hiện nay). Quang Thái rơm rớm nước mắt, thi thoảng lại phải nhìn ra phía hồ kẻo người qua đường để ý.
Thời khắc bịn rịn ấy, ông dặn người vợ trẻ đợi con cứng cáp rồi gửi nhờ ông bà nuôi dưỡng để đi hoạt động bí mật... Thế rồi, đồng chí giao thông viên của Đảng xuất hiện, dùng xe tay chở ông đến điểm hẹn ở một con hẻm cuối đường Yên Phụ. Sáng hôm sau, đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp ra ga Đầu Cầu, bắt xe lửa đi Lào Cai để từ đó sang Trung Quốc…
Cuộc chia tay đó cũng là lần cuối cùng Đại tướng được gặp người vợ, người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái. Sau khi chồng sang Trung Quốc một thời gian, đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái cũng gửi con về quê nội Quảng Bình rồi đi hoạt động bí mật. Năm 1942, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Bệnh tật, đau yếu trong nhà tù khắc nghiệt, đồng chí đã hy sinh ngay tại Hỏa Lò đầu năm 1944.
“Thầy dạy cho chúng tôi cái đạo làm người”
Ông Trần Văn Lan, học sinh khóa 1934-1938, năm 2002 đã viết bài đăng báo kể về thầy cũ: “Thầy tôi hiền lắm, không bao giờ mắng gắt học sinh… Sau này, mỗi lần được nghe nhắc đến tên thầy tôi trên báo, trên đài là tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một trí thức có cặp mắt rất sáng, nước da trắng hồng, dáng đi khoan thai, nghiêm khắc mà bao dung, đức độ. Thầy đã dạy tôi những bài học về lòng tự hào dân tộc, về lòng yêu nước thông qua bộ môn Lịch sử. Nhưng cái quý nhất, đẹp nhất là thầy đã dạy cho tôi cái đạo làm người, phải hết lòng thương yêu học sinh, phải có cái tâm, cái đức của nghề “trồng người”.
Khi Đại tướng còn khỏe, khai giảng, hay những dịp lễ quan trọng của trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội), không lần nào vắng mặt thầy. Họ gọi vị Đại tướng kính yêu của dân tộc là Thầy Giáp, xưng em một cách gần gũi bởi sự ấm áp luôn toát ra từ chính tâm hồn người lính giáo viên nhân dân. Bà Bùi Thị Liên, Nguyên giáo viên trường Tiểu học Thăng Long (1977- 1995) nói: “Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Thầy đã ân cần chỉ bảo là phải dạy học sinh như thế nào. Dạy kiến thức, nhưng phải dạy làm người. Thầy bảo phải làm sao để học sinh yêu môn Lịch sử, yêu những trang sử nước nhà”.
Ngoài lời nhắn nhủ với ngành giáo dục chú trọng dạy học sinh “làm người”, Đại tướng còn nhấn mạnh tới giáo dục thể chất, thẩm mỹ cho học sinh. Đơn cử, giáo dục thẩm mỹ để các học sinh hiểu và biết yêu chân lý, trọng lẽ phải, biết đánh giá và cảm thụ đúng đắn cái đẹp của con người, thiên nhiên và truyền thống dân tộc, từ đó thể hiện trách nhiệm và biết quý trọng những giá trị văn hóa, truyền thống và đạo đức của cá nhân, gia đình và xã hội.
“Dân ta phải biết sử ta”, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Minh đã cùng với toàn quân, toàn dân viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Theo cố Giáo sư sử học Phan Huy Lê, trong con người vị thống lĩnh quân sự, nét độc đáo chưa từng thấy ở bất cứ một nhà quân sự thế giới nào, đó là trước khi là nhà quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà sử học, một giáo viên dạy Sử và một Đại tướng vừa làm ra sử, vừa viết lại lịch sử. “Trong hồi ký của Đại tướng, là những công trình có giá trị lịch sử: Thứ nhất là chiến đấu trong vòng vây, Đường đến Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử và Tổng hành dinh đại thắng mùa xuân. Đây là hồi ký của một Tổng chỉ huy, cho nên ông vừa kể toàn bộ câu chuyện cực kỳ sinh động mang tính chất hồi ký nhưng bao quát toàn bộ lịch sử của dân tộc”.