Kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới

Ngày 4/12, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 – 4/12/2024).

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, vào thời điểm này 25 năm về trước - ngày 4/12/1999 - tổ chức khoa học, văn hóa và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi tên Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới.

25 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới - một chặng đường có thể vẫn còn quá ngắn trong chiều dài hàng trăm năm hình thành, phát triển của Đô thị cổ Hội An. Nhưng cuộc hành trình 25 năm qua mang đậm dấu ấn một thời kỳ mới của Hội An - thời kỳ các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy tỏa sáng, thăng hoa.

"Trong 25 năm qua – kể từ ngày Đô thị cổ Hội An được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, cũng chính là chặng đường lịch sử mà vùng đất và con người Hội An tiếp tục ghi đậm bao tình cảm, công sức, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Nam, của bao đồng chí và bạn bè, sự giúp đỡ, hỗ trợ đầy thiện chí các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế. Nhờ vậy mà văn hóa Hội An ngày càng được nhận diện đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị", ông Lanh cho biết.

Thành phố Hội An nhìn từ trên cao.

Thành phố Hội An nhìn từ trên cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ, nhìn lại chặng đường 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đã nỗ lực không ngừng, kiên trì quyết tâm xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch phát triển năng động và giàu bản sắc. Quần thể kiến trúc Đô thị cổ nói riêng, di sản văn hóa Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trao tặng nhiều giải thưởng.

Di sản Văn hóa Hội An đã thực sự trở thành nền tảng, bệ phóng, động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch - dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân, mối quan hệ giữa việc bảo tồn di sản văn hóa với việc đáp ứng tối ưu các nhu cầu sống của cư dân đương đại đã được giải quyết một cách cơ bản.

Di sản văn hóa Hội An do tiền nhân sáng tạo trong lịch sử đã vượt qua sự tác động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, những biến động xã hội, sự tàn phá của chiến tranh và cho đến nay vẫn được bao thế hệ con người Hội An trân trọng, nâng niu, giữ gìn, bảo tồn, phát huy một cách đầy sáng tạo và hiệu quả.

"Với những giá trị độc đáo của Khu phố cổ – Di sản văn hóa thế giới, cùng với vẻ đẹp quyến rũ của Cù Lao Chàm – Khu dự trữ sinh quyển thế giới, những danh lam thắng cảnh hữu tình, kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, môi trường cảnh quan sạch đẹp, môi trường VH-XH lành mạnh, an toàn, con người nhiệt thành thân thiện... Hội An đã tạo sức hút mạnh mẽ cho các du khách đến tham quan, các nhà khoa học đến nghiên cứu, các nghệ sĩ đến cảm thụ và sáng tác, các nhà đầu tư đến hợp tác làm ăn", ông Lanh nhấn mạnh.

Chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 – 4/12/2024).

Chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 – 4/12/2024).

Theo ông Lanh, thành quả của ngày hôm nay là kết tinh của bao trí lực, mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ con người Hội An chung tay góp sức tạo lập, xây dựng nên. Chúng ta càng thấm nhuần những giá trị cốt lõi từ tiến trình lịch sử của ông cha dày công tạo dựng và những bài học kinh nghiệm quý báu mà các thế hệ đi trước đã đúc kết trao truyền cho hôm nay và cho cả mai sau. Đây cũng là dịp để chúng ta hâm nóng bầu nhiệt huyết của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, bảo tồn sự đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, cho đến nay ở nước ta, duy chỉ có Quảng Nam là tỉnh có đến 3 danh hiệu thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn và 1 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

Cả 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn cùng được UNESCO công nhận vào ngày 4/12/1999. Điều đó càng thêm khẳng định chiều sâu văn hóa với nhiều đặc tính độc đáo, nổi trội, đậm đà bản sắc của mảnh đất Quảng Nam thân yêu của chúng ta; là niềm tự hào của người dân thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa, kinh nghiệm, sáng tạo, sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị cùng với sự đồng hành, giúp đỡ, tham gia của các cấp, các ngành Trung ương, của cộng đồng yêu quý di sản trong và ngoài nước, Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống đương đại; góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030, hướng đến xác lập vai trò Hội An là động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của Khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu phát biểu tại chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu phát biểu tại chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Các đại biểu tham dự chương gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Các đại biểu tham dự chương gặp mặt kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Theo ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý di sản (Bộ VHTTDL), có thể khẳng định trong 25 năm qua, mặc dù chịu nhiều áp lực nhưng với sự chung sức và hỗ trợ của tất cả các bên, chặng đường bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đã đạt được nhiều dấu ấn và thành quả. Được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là điển hình về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

"Chúng ta có thể khẳng định công tác bảo tồn di sản đô thị cổ Hội An đã, đang đáp ứng được các nguyên tắc, các yêu cầu về bảo tồn di tích, di sản thế giới theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mà Việt Nam đã tham gia", ông Thành cho biết.

Cũng trong sáng cùng ngày, UBND TP Hội An tổ chức diễu hành chào mừng 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Diễu hành chào mừng 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2024).

Diễu hành chào mừng 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2024).

Đ.Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ky-niem-25-nam-do-thi-co-hoi-an-duoc-unesco-cong-nhan-di-san-van-hoa-the-gioi-20241204185448102.htm