Kỷ niệm 30 năm thành lập Bộ môn Anh văn
Sáng ngày 14/12, Bộ môn Anh văn - Khoa Khoa học Cơ bản (Trường Đại học GTVT) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Bộ môn và đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, TS. Nguyễn Thị Hồng Tuyến - Trưởng Bộ môn nhấn mạnh, Bộ môn Anh văn được thành lập ngày 28 tháng 1 năm 1994, trên cơ sở tách từ Bộ môn Nga văn, nay là Bộ môn Nga văn - Pháp văn, Khoa Khoa học Cơ bản. Khi thành lập, Bộ môn có 6 giảng viên, trong đó đa số có hai bằng đại học ngành tiếng Nga và tiếng Anh.
Nhiệm vụ của Bộ môn là giảng dạy tiếng Anh cơ bản cho sinh viên và học viên các hệ đào tạo của Trường Đại học GTVT gồm cử nhân, kỹ sư, (hệ chính quy, vừa học vừa làm, bằng hai) và cao học. Giai đoạn đầu thành lập, Bộ môn dạy tiếng Anh cho sinh viên ở giai đoạn giáo dục đại cương. Từ thời điểm đó, ngoại ngữ đã đóng vai trò rất quan trọng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là một môn thi bắt buộc để chuyển giai đoạn. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, hiện tại Bộ môn không những dạy tiếng Anh cho sinh viên và học viên đại trà, mà còn đảm nhiệm dạy tăng cường cho sinh viên các chuyên ngành: Cầu - Đường Anh, Chương trình tiên tiến, Chương trình Chất lượng cao, Chương trình liên kết và ngành Ngôn ngữ Anh.
Năm 1998, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của Bộ môn Anh văn là được Nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Anh một cách chuyên nghiệp cho sinh viên Cầu - Đường Anh bắt đầu từ K39 (1998 - 2003). Điểm thi đầu vào đại học của sinh viên Cầu - Đường Anh là đứng thứ nhì của Trường, sau lớp Cầu - Đường Pháp. Đây có thể được coi là các lớp cử nhân tài năng do Phòng Đối ngoại quản lý sinh viên và Khoa Công trình phụ trách đào tạo chuyên ngành. Sinh viên Cầu - Đường Anh được phân loại trình độ để học các môn thực hành tiếng như nói, nghe, đọc, viết, ngữ âm, ngữ pháp, dịch, tiếng Anh chuyên ngành và luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong suốt quá trình đào tạo tại Trường Đại học GTVT. Khi ra trường, phần lớn sinh viên có trình độ chuyên môn vững vàng và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tốt, đặc biệt có thể làm việc trong các công ty có yếu tố nước ngoài và tiếp tục học thạc sỹ, tiến sỹ ở các quốc gia nói tiếng Anh. Sinh viên Cầu - Đường Anh (nay có tên gọi Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông Cầu - Đường bộ Việt - Anh) hiện nay đang đảm nhiệm nhiều vị trí công việc quan trọng trong lĩnh vực Giao thông vận tải.
Từ năm học 2008 - 2009 (K49), Nhà trường bắt đầu tuyển sinh các lớp kỹ sư Chương trình tiên tiến. Việc thành lập Khoa Đào tạo Quốc tế (năm 2010) gắn liền với trọng trách dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra tối thiểu là B2 cho các ngành và chuyên ngành đào tạo có tên là Việt - Anh do Khoa Đào tạo Quốc tế quản lý, đó là ngành: Kỹ thuật xây dựng Công trình giao thông - Cầu Đường bộ, Chương trình Tiên tiến - Kỹ thuật xây dựng Công trình giao thông, Kinh tế Xây dựng công trình giao thông, Kế toán tổng hợp, Quản lý xây dựng, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Cơ khí ô tô, Công trình giao thông đô thị Việt - Nhật, Chương trình Liên kết với Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp) và Đại học Dong Young (Hàn Quốc). Tất cả các giảng viên dạy tiếng Anh cho sinh viên Khoa Đào tạo Quốc tế đều là giảng viên cơ hữu thuộc Bộ môn Anh văn, TS. Nguyễn Thị Hồng Tuyến nhấn mạnh.
Từ năm học 2014 - 2015 (K55), Nhà trường thực hiện Đề án 2020 về dạy ngoại ngữ. Bộ môn được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án đạt chuẩn ngoại ngữ B1 cho sinh viên chính quy áp dụng từ K55. Ngay sau đó, Bộ môn cùng Khoa Đào tạo Quốc tế Biên soạn Đề án đạt chuẩn ngoại ngữ C1 đối với Chương trình Tiên tiến và B2 đối với Chương trình Chất lượng cao. Đề án dạy ngoại ngữ nhằm đạt chuẩn đầu ra yêu cầu sinh viên phát triển đồng đều bốn kỹ năng tiếng Anh: Nói, nghe, đọc, viết. Chương trình đào tạo và phương thức đánh giá bám sát chuẩn đầu ra quốc tế, có thi sát hạch để phân loại sinh viên theo từng cấp độ để xếp lớp phù hợp. Nhờ việc triển khai Đề án mà trình độ ngoại ngữ của sinh viên chính quy đã có những chuyển biến rõ rệt, giúp sinh viên giao tiếp khá tự tin sau khi ra trường.
Bên cạnh dạy tiếng Anh cơ bản, Bộ môn còn giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành cho tất cả các Khoa chuyên môn với các giáo trình tiếng Anh chuyên ngành được Bộ môn biên soạn. Với đội ngũ giảng viên có chuyên môn, có thể dạy theo các chứng chỉ Quốc tế đến bậc C1 và các môn học tiếng Anh chuyên ngành là niềm tự tin, tự hào của Bộ môn Anh văn.
Nhằm không nâng cao chất lượng, đội ngũ giảng viên không ngừng tham gia các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng E-learning và Blended learning, luyện thi các chứng chỉ quốc tế. Tất cả giảng viên cơ hữu đều có trình độ chuyên môn thấp nhất là thạc sỹ, hầu hết đạt chuẩn tiếng Anh C1 khung châu Âu. Bộ môn đã biên soạn nhiều giáo trình tiếng Anh Cơ bản và tiếng Anh Chuyên ngành phục vụ cho công tác giảng dạy trong Nhà trường. Mặc dù khối lượng giảng dạy nhiều, Bộ môn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với các bài báo và công trình khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín và kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế. Sản phẩm khoa học ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng; những năm gần đây, Bộ môn có thêm hai giảng viên đạt học vị tiến sỹ.
Năm học 2024 - 2025, Bộ môn đã hoàn thành xây dựng Đề án mở ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh trình độ đại học và tuyển sinh thành công khóa đầu tiên (K65). Dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Bộ môn cũng là thời điểm Bộ môn hân hoan chào đón lứa sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đầu tiên tại Trường Đại học GTVT giúp khẳng định vị thế của Trường trong khối các trường kỹ thuật.
Với 6 giảng viên từ những ngày đầu thành lập cho đến nay Bộ môn có giao động từ 24 - 28 giảng viên cơ hữu ở cơ sở 1 và 5 - 6 giảng viên ở cơ sở 2. Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào và càng ngày càng trở nên vững mạnh với những thành tích đáng ghi nhận nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể giảng viên Bộ môn qua các thời kỳ. Bộ môn Anh văn đã đóng góp tích cực cho sự phát triển lớn mạnh của Trường Đại học GTVT nói riêng và ngành GTVT nói chung.