Kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM : Hội thảo về Phật học Việt Nam thời hiện đại
Hôm nay, 7-12-2019, hội thảo chủ đề 'Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển', phiên khai mạc đã diễn ra tại chánh điện tạm cơ sở 2 Học viện Phật giáo VN - TP.HCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
Chư tôn đức chứng minh và chủ tọa phiên khai mạc
Tham dự phiên khai mạc toàn thể có sự quang lâm của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện trưởng Học viện; HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực, Trưởng ban Tổ chức; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo T.Ư; cùng chư vị giáo phẩm Văn phòng 2 TƯGH, lãnh đạo các Ban, Viện, Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Cần Thơ; các trường Phật học, học giả, cựu Tăng Ni sinh và Tăng Ni sinh viên các khóa.
HT.Thích Giác Toàn phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, HT.Thích Giác Toàn nói về đặc thù của giáo dục Phật giáo, mô hình giáo dục Phật giáo trong lịch sử, điển hình là Viện Đại học Vạn Hạnh do Trưởng lão HT.Thích Minh Châu sáng lập và lãnh đạo, cũng như giai đoạn GHPGVN từ lúc thành lập năm 1981 cho tới nay. Hòa thượng cũng giới thiệu những bước chuyển mình trong việc tạo mô hình học và tu song hành của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Hòa thượng cũng cho biết Ban Tổ chức đã nhận được hơn 170 tham luận gởi về, 134 bài được chọn in thành sách, 82 bài sẽ được chọn thuyết trình tại các diễn đàn trong khuôn khổ hội thảo.
“Tôi tin rằng hội thảo này sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM với các trường đại học trong nước, theo đó, các nghiên cứu về các vấn đề được chúng ta cùng quan tâm phải là hướng tiếp cận liên ngành, nhằm tìm ra giải pháp thích hợp từ chân lý Phật dạy”, Hòa thượng Phó Viện trưởng Thường trực nhấn mạnh.
TT.Thích Nhật Từ đề dẫn hội thảo
Đề dẫn hội thảo, TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện nói về ý nghĩa và mục đích, nhận định tổng quát về nội dung và phân mục các tham luận. “Nhìn chung, các bài tham luận trong hội thảo này đã góp phần hình thành các lý thuyết giáo dục Phật giáo nhằm đề cao các phương pháp giáo dục Phật giáo có khả năng khai phóng tâm thức người học, theo đó, trở nên sáng trí, sáng tạo và phát minh”, Thượng tọa khẳng định.
Cũng tại phiên khai mạc toàn thể, TT.Thích Thanh Quyết; TT.Thích Đức Thiện, HT.Thích Huệ Thông (Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯGH) đã trình bày các tham luận liên quan tới giáo dục Phật giáo và định hướng giáo dục cho Phật giáo VN hiện nay.
Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ đã phát biểu tại phiên khai mạc. Ông đánh giá cao Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, là trung tâm đào tạo Tăng Ni được thành lập và đi vào hoạt động muộn hơn so với Hà Nội, nhưng được kế thừa truyền thống giáo dục Phật giáo trước đó, trực tiếp là Đại học Vạn Hạnh nên có những thành tựu đáng trân trọng, đóng góp cho giáo dục Phật giáo trong bối cảnh giáo dục quốc dân chưa có chương trình giáo dục tôn giáo.
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đạo từ
Ban đạo từ, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã tán thán chư Tăng Ni và các học giả đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng, trí tuệ cho hội thảo. Hòa thượng nhấn mạnh dù đi sau, cả chương trình nội trú cho Tăng Ni sinh, so với các Học viện tại Hà Nội và Huế, nhưng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM qua các phát biểu của đại diện lãnh đạo Giáo hội và Ban Tôn giáo Chính phủ, đã khẳng định vai trò quan trọng của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Theo Hòa thượng, thế mạnh đó là nhờ được thừa kế lịch sử không chỉ từ Đại học Vạn Hạnh, mà còn từ xa hơn là Phật học đường Lưỡng Xuyên, Phật học đường Nam Việt, trên nền tảng thừa kế các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa một cách căn bản.
Trên cơ sở nội dung của các tham luận, Ban Tổ chức đã phân thành 6 diễn đàn nhóm (1) “Giáo dục Phật giáo: bản chất, phương pháp và giá trị”, (2): “Phật học Việt Nam thời hiện đại: bản chất, hội nhập và phát triển”, (3) “Các phong trào Phật học tại Việt Nam”; (4) “Chương trình Phật học của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và trên thế giới”; (5) Nhu cầu cải cách Phật học tại Việt Nam”, và (6) “Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội”. Sau phiên khai mạc, các diễn đàn nhóm đồng loạt diễn ra tại các khán phòng nhỏ tại cơ sở 2 Học viện và chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) phụ cận vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Phiên bế mạc diễn ra tại chánh điện tạm - cơ sở 2 của Học viện với sự tham dự của toàn thể.
Cung nghinh chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, quan khách
Niệm Phật cầu gia bị
Chư Tăng Ni, các học giả tham dự
Quang cảnh phiên khai mạc
TT.Thích Quang Thạnh dẫn chương trình
Hội thảo nhận được hơn 170 tham luận gởi về
Nội dung được chia làm 4 nhóm
TT.Thích Đức Thiện phát biểu tại phiên toàn thể
TT.Thích Thanh Quyết nói về lộ trình cải cách giáo dục Phật giáo
Nhiều đại biểu đến từ các tỉnh thành tham dự
HT.Thích Huệ Thông trình bày tham luận
Ông Bùi Hữu Dược phát biểu
Hội thảo là hoạt động học thuật của lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện
Chư Ni dự phiên khai mạc
Đạo từ của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng
Chủ tọa đoàn phiên khai mạc
Sau phiên khai mạc và toàn thể, các nhóm diễn đàn đi vào thảo luận
Có 6 diễn đàn nhóm
Các đại biểu trình bày tham luận
Mỗi diễn đàn có các điều phối viên
Theo từng chủ đề
Thời gian trình bày tham luận giới hạn 10 phút/ đại biểu
Sau phiên khai mạc, đồng loạt 6 diễn đàn nhóm đã diễn ra
Chiều nay 7-12, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã đến chào và thăm 6 diễn đàn thảo luận nhóm.
Hòa thượng Viện trưởng thăm các diễn đàn
Và có lời thăm hỏi đến các diễn giả
Diễn đàn nhóm tại hội trường chùa Thanh Tâm
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//thoisu/sukienvande/2019/12/07/124493/