'Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á'

Chiều ngày 29/06, Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề 'Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á' do Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức đã bế mạc tại Hà Nội.

Đối thoại Biển lần thứ 8 tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế...

Đối thoại là dịp để nhấn mạnh lại giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) sau 40 năm, cũng như thảo luận những khía cạnh hợp tác tiềm năng đối với khu vực Đông Nam Á.

Các vấn đề cốt lõi được thảo luận tại Đối thoại biển lần thứ 8 là: (i) một số vấn đề pháp lý và hàng hải chưa được nghiên cứu đầy đủ liên quan đến việc thực thi UNCLOS ở Đông Nam Á; (ii) giảm thiểu phát thải từ các hoạt động vận tải và sáng kiến vận tải không phát thải; (iii) nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia giáp biển nửa kín và (iv) bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển trong các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia. Qua bốn phiên thảo luận cởi mở và thực chất, Đối thoại đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi toàn diện, đa chiều và chất lượng. Các phát biểu khoa học nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển trong duy trì trật tự pháp lý trên biển, đề cập tới những khía cạnh có liên quan trực tiếp đối với khu vực Đông Nam Á, hướng tới các giải pháp giải quyết bất đồng, tăng cường hợp tác và đưa ra các khuyến nghị chính sách thiết thực cho các quốc gia trong khu vực.

Tại Đối thoại, nhiều chuyên gia từ không chỉ các quốc gia ven biển mà cả các quốc gia không giáp biển đã chia sẻ các kinh nghiệm và sáng kiến hiện có nhằm thúc đẩy việc sử dụng hòa bình các vùng biển và tăng cường hợp tác hàng hải.

Trong phiên 2, các diễn giả tập trung thảo luận về khuôn khổ pháp lý nhằm ứng phó với vấn đề ô nhiễm trên biển. Theo đó, hiện nay, vấn đề ô nhiễm biển nói chung và giảm phát khí thải nhà kính đã được quy định trong nhiều điều ước quốc tế. Mục tiêu giảm phát thải nhà kính từ hoạt động hàng hải được nhận định là nhiệm vụ khó khăn đặt ra đặt ra cho các quốc gia, cho các tổ chức quốc tế như IMO mà còn với các chủ thể trong ngành công nghiệp hàng hải. Một số học giả còn chia sẻ chính sách của một số quốc gia trong nỗ lực giảm phát khí thải như Malaysia, Singapore…

Trong phiên 3, các diễn giả thảo luận về nghĩa vụ hợp tác quốc tế tại các vùng biển kín và nửa kín được quy định trong điều 123 UNCLOS cũng như thực tiễn, mô hình hợp tác trên biển tại một số khu vực như Biển Đông. Có ý kiến cho rằng hiện nay sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quy chế biển kín và nửa kín còn hạn chế. Cũng có ý kiến cho rằng Điều 123 được quy định một cách mập mờ, do đó, đây là một thách thức lớn trong việc khuyến khích các quốc gia trong việc thực thi nghĩa vụ hợp tác, nhất là tại các khu vực có những bất đồng tranh chấp và thiếu lòng tin. Vì vậy, một số học giả đã đưa ra một số khuyến nghị tăng cường hợp tác như: các quốc gia ven biển nên chăng đưa ra các nghĩa vụ “thực chất” để tăng cường hợp tác tại các vùng biển kín và nửa kín, hay có thể mời các quốc gia không có biển tham gia vào các dự án hợp tác; tăng cường hợp tác về nghiên cứu khoa học biển giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế, v..v..

Phiên 4 tập trung thảo luận về vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển trong các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Một số ý kiến khẳng định vai trò của các nước đang phát triển như nhóm G77-Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình đàm phán xây dựng hiệp định về BBNJ.

PV/HANOITV

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/ky-niem-40-nam-unclos-thuc-day-hop-tac-bien-o-dong-nam-a-d201803.html