Kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng 10-8, Bảo tàng TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập bảo tàng (1978- 2023) và khai mạc trưng bày chuyên đề 'Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận - Nét đặc trưng văn hóa Nam bộ'.
Trưng bày chuyên đề do Bảo tàng TPHCM phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Dương tổ chức với hơn 50 hình ảnh và gần 200 hiện vật đặc sắc nhằm giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, giá trị di sản của bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận như: gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Pháp do Sài Gòn đặt hàng...
Chuyên đề đa dạng các bộ sưu tập gốm thờ cúng, gốm gia dụng với chất men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao; đồng thời, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn hình thành và phát triển của nghề làm gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Sài Gòn và vùng đất Nam bộ.
Bên cạnh những nội dung đặc sắc về gốm sứ Nam bộ, khách tham quan có dịp trải nghiệm làm và trang trí gốm cùng các nghệ nhân.
Trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận - Nét đặc trưng văn hóa Nam bộ” bắt đầu đón khách tham quan từ nay, tại Bảo tàng TPHCM (65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1).
Chuyên đề được thiết kế với những nội dung đặc sắc về gốm sứ Nam bộ như:
Ra đời vào cuối thế kỷ XVII, gốm Biên Hòa là sự kết hợp của hai dòng gốm Việt - Hoa, những di tích như Rạch Lò Gốm, Bến Miểng Sành... Sản phẩm ban đầu là: nồi, niêu, bình với (bằng đất nung), hủ, khạp (bằng sành) phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày của cư dân. Sự ra đời của trường Mỹ Thuật Biên Hòa (1903) với sự truyền nghề của những nghệ nhân gốm Cây Mai (Sài Gòn) đã tạo nên dòng gốm mỹ thuật đặc trưng với tên gọi “Gốm Mỹ nghệ Biên Hòa”.
Đầu thế kỷ XIX, bên cạnh dòng gốm Trung Quốc sản xuất du nhập vào Việt Nam, lúc bấy giờ còn có dòng gốm sản xuất tại Pháp cũng được các thương nhân Pháp sử dụng nhằm quảng bá, tuyên truyền nền văn hóa Pháp trong công cuộc khai phá các nước thuộc địa. Các sản phẩm gốm Pháp du nhập vào Việt Nam chủ yếu là đồ gốm gia dụng.
Ra đời khoảng giữa thế kỷ XIX, gốm Lái Thiêu là sự tổng hợp hài hòa của ba trường phái gốm Nam Trung Hoa: Quảng Đông (chuyên sản xuất các tượng trang trí), Phúc Kiến (thường sử dụng men màu đen, màu vàng da lươn, sản phẩm chủ yếu là các loại chóe rượu, khạp…) và Triều Châu (với các loại đồ gia dụng: tô, chén, đĩa, bình men nhiều màu và men xanh trắng).
Bảo tàng TPHCM được thành lập ngày 12-8-1978, tiền thân là Nhà Bảo tàng Cách mạng.
Ngày 13-12-1999, UBND TPHCM quyết định đổi tên là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tòa nhà Bảo tàng TPHCM trước đây là dinh Thống đốc Nam Kỳ, tòa án tối cao và thường được gọi nôm na là Dinh Gia Long vì nằm trên đường cùng tên, do kiến trúc sư người Pháp – Alfred Foulhoux thiết kế, được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890 theo phong cách kiến trúc gothique với phần mái lại mang dáng dấp Á Đông.