KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG BÌNH THUẬN (19/4/1975 - 19/4/2023): Tự hào lịch sử, vững bước tương lai
Cứ mỗi độ tháng 4 về, triệu trái tim người dân Bình Thuận lại trào dâng cảm xúc đặc biệt về ký ức hào hùng, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận luôn đoàn kết một lòng, vượt qua bao khó khăn, gian khổ để dựng xây, kiến thiết quê hương với nhiều dấu ấn đậm nét và hứa hẹn những bước tiến đột phá trên con đường phát triển trong tương lai…
Xứng đáng với 12 chữ vàng
Đại thắng Mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra khúc ca khải hoàn đã mãi khắc sâu trong tâm khảm của bao thế hệ người Việt Nam nói chung và người Bình Thuận nói riêng. 30/4/1975 - ngày cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui giải phóng, nước nhà được độc lập. Để có được kỳ tích ấy, quân, dân Bình Thuận và Bình Tuy đã liên tục tấn công và nổi dậy suốt 51 ngày đêm (8/3/1975 - 27/4/1975) giải phóng hoàn toàn quê hương, non sông thu về một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Ngược dòng lịch sử trở về ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận đã liên tục mở các cuộc tấn công địch, tạo thế và lực để phối hợp quân chủ lực giành những thắng lợi quyết định. Cục diện chiến trường miền Nam có bước nhảy vọt khi Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thời điểm này, Trung ương Đảng, Khu ủy và Quân khu ủy Khu VI đã ra Chỉ thị với nội dung: “Tình hình diễn biến rất thuận lợi cho ta, các tỉnh không được trông chờ ỷ lại quân chủ lực mà phải… xốc tới tiêu diệt địch, giải phóng địa phương mình”.
Thiết giáp của quân giải phóng trên đường tiến vào thị xã Phan Thiết (1975). Ảnh: Tư liệu
Thực hiện chỉ đạo cấp trên, quân và dân Bình Thuận đã liên tục mở các đợt tiến công tiêu diệt sinh lực địch trên địa bàn. Đến ngày 13/4/1975, quân và dân Bình Thuận đã giải phóng được một vùng nông thôn rộng lớn, làm chủ lộ 8, chia cắt quốc lộ 1 ở nhiều đoạn quan trọng, dồn địch về Phan Thiết trong thế bị cô lập hoàn toàn. 20 giờ ngày 18/4/1975, quân và dân Bình Thuận tấn công vào Phan Thiết. Với sức mạnh và ý chí quyết tâm cao của quân ta, địch nhanh chóng tan rã, bỏ vũ khí ra đầu hàng quân giải phóng. 9 giờ sáng ngày 19/4/1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Sau đó, đến ngày 23/4, Hàm Tân được giải phóng. Ngày 27/4/1975, sau hơn 1 giờ chiến đấu ác liệt, quân địch buông vũ khí đầu hàng, Cù Lao Thu (đảo Phú Quý) - vùng đất cuối cùng của Bình Thuận đã hoàn toàn được giải phóng trong niềm hân hoan của quân và dân ta. Trải qua suốt hơn 21 năm chiến đấu kiên cường, anh dũng, quân và dân Bình Thuận đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.
Đổi thay và hứa hẹn đột phá
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Bình Thuận tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Qua 48 năm, Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Bộ mặt đô thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; nhiều khu dân cư hiện đại, khang trang lần lượt mọc lên ở cả thành thị và nông thôn. Các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình điển hình năng động, sáng tạo… Từ đó, góp phần tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Đường Lê Duẩn - TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Lân
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để tạo sức bật đưa Bình Thuận tiếp tục phát triển toàn diện về mọi mặt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định 3 khâu đột phá, đó là tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ; tăng cường thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển. Để thực hiện 3 khâu đột phá, tỉnh tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan để hoàn thành cao tốc Bắc – Nam (phía đông), đoạn qua tỉnh Bình Thuận (Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) vào 30/4/2023. Song song đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư những công trình giao thông quan trọng, có tác dụng lan tỏa mạnh và rộng để phát triển kinh tế - xã hội... Ngoài ra, tỉnh đã và đang triển khai thủ tục để đầu tư một số công trình thủy lợi; đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bước nhảy vọt xa hơn, cao hơn trong quá trình phát triển. Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển 3 trụ cột, Bình Thuận sẽ tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng một kế hoạch sáng tạo, thông minh, kết hợp hài hòa giữa nhân tố con người, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội hiện có.
Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang
Với thế hệ trẻ may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình càng thêm trân trọng những giá trị của độc lập, tự do mà lớp lớp thế hệ cha anh đã phải hy sinh bằng xương máu. Tuy không chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc nhưng qua những trang sách, báo, những nhân chứng lịch sử, anh Trương Minh Quang - Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận cảm nhận sâu sắc về những ngày tháng tư lịch sử: “Thế hệ thanh niên chúng tôi được sinh ra trong thời kỳ tỉnh nhà đang phát triển nên không hiểu được hết những gian khổ trong những chặng đường lịch sử vẻ vang của tỉnh và thời gian đầu mới tái lập tỉnh. Chúng tôi lớn lên và được thừa hưởng “trái ngọt” từ những thành tựu của tỉnh nhà. Bản thân luôn nhận thức sâu sắc rằng để có được hòa bình, tự do, độc lập là sự hy sinh to lớn bằng xương máu của các thế hệ cha anh, sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên qua từng thời kỳ lịch sử”.
Cầu Trần Hưng Đạo - TP. Phan Thiết. Ảnh: N. Lân
Để thể hiện tình yêu quê hương cũng như tri ân những công lao to lớn của các thế hệ đi trước, thay mặt thế hệ trẻ tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận khẳng định sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, luôn không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng lối sống văn hóa, sống có lý tưởng, có khát vọng, hoài bão, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và quê hương, đất nước. Từ đó, xây dựng thế hệ thanh niên Bình Thuận thời kỳ mới có “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, có khát vọng cống hiến để góp phần xây dựng Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển của tỉnh Bình Thuận nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2023) và 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận càng thêm tự hào về Tổ quốc văn hiến, về Nhân dân anh hùng, về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ đó, nhận thức sâu sắc hơn giá trị, bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.