Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025): Ký ức Hà Nội những ngày tháng 4-1975
Bà Hoàng Tú bồi hồi nhớ lại: 'Những ngày tháng 4-1975 thực sự là những ngày sôi động, nhất là khi được tin quân ta giải phóng Sài Gòn. Tôi nhớ lúc đó bố tôi vừa bật đài thì hét toáng lên: Giải phóng rồi… Sài Gòn giải phóng rồi! Thế là cả nhà tôi bỏ dở bữa cơm trưa…'. Rồi bà Tú cười: 'Chúng tôi lúc đó chẳng ai bảo ai, nhưng tất cả đều rưng rưng nước mắt mừng vui, hạnh phúc cùng cả dân tộc Việt Nam'.

Người dân Hà Nội trong ngày chiến thắng 30-4-1975
1. Đến tận bây giờ bà Hoàng Tú vẫn nhớ như in những giây phút hân hoan đó. Khu tập thể quân đội ở phố Lý Nam Đế buổi trưa hôm đó bỗng trở nên náo nhiệt. Mọi người chạy ra cửa cùng hô vang: “Chiến thắng rồi… giải phóng rồi”. Niềm vui của cư dân dường như được nhân đôi, nhân ba bởi lẽ, khu tập thể này không biết đã bao nhiêu lần chứng kiến cảnh tiễn cha, tiễn chú, tiễn anh, tiễn em… lên đường đi B. Những buổi đưa tiễn đó thường là diễn ra trong lặng lẽ. Bà Hoàng Tú kể: “Hồi đó, bố tôi được lệnh vào tuyến đường 559, cả nhà lặng đi khi ông thông báo như vậy. Mẹ tôi là người bình tĩnh nhất bởi bà từng vài lần tiễn bố tôi vào tuyến lửa. Và bà cũng đã vài lần giấu đi giọt nước mắt khi ông đột ngột về thăm nhà lúc nửa đêm. Mỗi lần bố tôi đi và mỗi lần trở về là những lo lắng chen lẫn niềm vui. Buổi trưa ngày 30-4 năm ấy gia đình tôi rất mừng vì từ nay bố không còn những lần lặng thầm khoác ba lô ra đi nữa. Chiến thắng đồng nghĩa với chuyện không có ai ra mặt trận, chỉ còn thời gian ngóng người thân trở về”.
Rồi giọng bà chợt chùng xuống: “Tôi nhớ, tháng 2-1975, lớp học chúng tôi (lớp 10 hệ 10 năm) bỗng mênh mông lạ. Tôi bước vào lớp mà thấy thẫn thờ, các bạn nam gần như đã đi bộ đội cả, chỉ còn vài bạn sức khỏe yếu và lũ con gái. Tiết học trôi qua, nhưng hình như chẳng có đứa nào thiết học nữa. Nhất là mấy đứa đang thích mấy thằng cùng lớp. Những bạn nữ đó ngồi thẫn thờ, mắt chúng nó hóng ra ngoài sân trường, tâm trạng vừa nhớ mong vừa hứa hẹn. Tin chiến thắng đồng nghĩa với việc những người bạn cùng lớp đi bộ đội sẽ trở về. Một niềm hy vọng tuy mong manh những rất có cơ sở. Lúc nghe tin tôi đã mường tượng ra cảnh các bạn trở về, những chàng lính trẻ khoác ba lô về cười nói rinh rang, lớp học chừng như “vỡ” ra trong những câu hỏi, trong những ánh mắt chứa chan”.
2. Bà Tú ăn nốt bát cơm rồi xin phép bố mẹ chạy ra phố. Lúc này đường phố Hà Nội rất náo nhiệt, những chiếc xe com-măng-ca chạy ríu rít, tiếng loa phóng thanh gắn ở đầu xe râm ran loan tin chiến thắng. Ngoài hồ Gươm rền vang tiếng pháo. Không biết người Hà Nội đã chuẩn bị pháo từ bao giờ mà tiếng nổ như dậy đất. Phố Đinh Tiên Hoàng chật ních người, xe. Người chạm người. Xe va vào xe, nhưng chẳng ai khó chịu hay cãi vã cả. Mọi người cười vui, bắt tay nhau như quen biết lâu lắm rồi. Sung sướng thật! Chiến thắng rồi! Hòa bình rồi! Đâu đâu cũng thấy những nụ cười cùng những câu nói mà ai cũng biết nhưng vẫn thích nghe, nghe mãi: “Sài Gòn giải phóng rồi! Chúng ta thắng rồi!”. Khắp các ngả đường, mọi người đều đổ về hồ Gươm, ở đó có rất nhiều cờ, rất nhiều hoa, rất nhiều nụ cười và cả những giọt nước mắt.
“Tôi trở về nhà lúc trời đã tối, thành phố đã lên đèn, nhưng tâm trạng ngất ngây vẫn còn nguyên. Bố mẹ tôi hôm đó chợt hiền từ, không ai ca thán chuyện một đứa con gái như tôi lại chạy rông ngoài phố suốt buổi, lại còn về muộn nữa. Sài Gòn được giải phóng đã tha thứ hết những “tội lỗi” mà hôm đó tôi mắc phải. Nhưng có lẽ bố tôi là người vui sướng nhất. Ông nhập ngũ từ ngày toàn quốc kháng chiến và từ đó là những cuộc hành quân không ngừng nghỉ. Ông đi biền biệt, rồi sau mỗi chiến dịch, mỗi lần làm nhiệm vụ lại đột ngột trở về nhà, rồi lại đi. Thời kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi ở huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, nơi chiến khu Việt Bắc. Anh cả tôi tên là Định là bởi anh sinh ra ở huyện Định Hóa. Lần bố tôi rẽ qua nhà một tối, mẹ tôi bảo: Ông ấy về có một đêm thôi là tao có thằng Định” - bà Hoàng Tú cười to.
3. Thời kháng chiến chống Mỹ, gia đình bà Tú được về Hà Nội. Bà bảo: “Khu tập thể nơi chúng tôi ở toàn các gia đình bộ đội nên chuyện nhà này thế nào, nhà kia ra sao, mọi người tuy không nói ra nhưng đều biết cả. Ví dụ như chuyện nhà chú Liệu có anh con trai lớn tên Tiến đi bộ đội và hy sinh ở mặt trận Tây Nguyên. Hôm tin anh Tiến báo về, cả khu tập thể lặng đi. Anh Tiến mới 18 tuổi, ngày ở nhà chơi bóng bàn rất giỏi, lại thường dạy bọn thiếu niên chúng tôi. Tối 30-4 năm ấy, chúng tôi sang thăm chú Liệu, chú rơm rớm nước mắt nhưng vẫn nở nụ cười: “Tiếc là thằng Tiến không đến được Sài Gòn”. Chúng tôi nghe mà muốn khóc!”.
“Tôi nhớ hồi cuối năm 1972, khi máy bay B52 của Mỹ đánh bom Hà Nội, chúng tôi phải đi sơ tán gấp theo lớp, theo trường. Bố tôi lúc đó vẫn đang ở ngoài mặt trận, mẹ tôi dẫn cô em út về quê. Ở nơi sơ tán, chúng tôi cứ ngóng mắt về Hà Nội lo lắng và mừng rú lên mỗi khi thấy B52 bị quân ta bắn cháy. Ngày Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi hay tin thì chẳng đứa nào bảo đứa nào cứ thế mà kéo nhau đi bộ từ nơi sơ tán về Hà Nội. Tôi nhớ hôm đó pháo mừng cũng nổ dậy trời đất, nổ suốt ngày đêm. Lúc đó trong tôi đã mường tượng ra sẽ có ngày toàn thắng, hình dung ra không khí của ngày chiến thắng”.

Các nghệ sĩ “nhuộm đỏ” sân khấu với màu cờ sắc áo Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ở SVĐ Quốc gia Mỹ Đình

Màn hình LED chiếu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ca khúc “Lời ca dâng Bác”

Hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng được mang lên sân khấu trong bài “Đường chúng ta đi” (nhạc sĩ Huy Du) trong chương trình “Hẹn ước Bắc - Nam” kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ở SVĐ Quốc gia Mỹ Đình

Hình ảnh người chiến sĩ vai mang ba lô, trên tay là chiếc gậy Trường Sơn, hành quân từ Bắc vào Nam được tái hiện trên sân khấu kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Hà Nội của ngày hôm nay cũng tưng bừng vui như 50 năm trước. Đường phố rực rỡ cờ hoa. Đường phố chen chân người đi trong niềm vui vẹn nguyên. Có trải qua những tháng năm gian lao, xương máu, mới thấy quý hơn giá trị của hòa bình. Chiến thắng là hòa bình, hòa bình là dựng xây, là tất cả chung tay xây dựng cuộc sống mới, niềm tin mới. Niềm tin mới của ngày hôm nay là niềm tin tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đất nước vươn mình.